Xung quanh việc tờ Chosun tung hình ảnh, thông tin về các cô dâu Việt Nam

Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ

Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ

Ngày 21-4, tờ báo Chosun- có lượng phát hành lớn nhất Hàn Quốc (HQ) khởi đăng loạt ký sự hai kỳ “Các cô gái Việt Nam tới Hàn Quốc - vùng đất hy vọng” của phóng viên Chae Sung Woo. Cùng ngày, Chosun còn tung 26 tấm ảnh về sinh hoạt của các cô gái Việt Nam trong thời gian chuẩn bị lấy chồng Hàn Quốc. Các ảnh này xuất hiện liên tục trên màn hình mà không hề sử dụng kỹ thuật  xóa mặt các cô gái. Ngay lập tức, nhiều độc giả tại HQ, trong đó có không ít du học sinh VN đã phản ứng gay gắt với thái độ không khách quan, vô cảm của người viết.

Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ ảnh 1

Biểu tình phản đối bài báo của nhật báo Chosun

Trong khi những thông tin về ký sự “Các cô gái VN tới Hàn Quốc-vùng đất hy vọng” đăng trên nhật báo Chosun (Hàn Quốc) đang gây phẫn nộ đối với cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, thì tại Việt Nam, hoạt động của các đường dây môi giới vẫn tiếp diễn. Trong vai một cô gái muốn lấy chồng Hàn Quốc (HQ), phóng viên báo SGGP đã xâm nhập vào một đường dây môi giới.  Với những gì mắt thấy tai nghe, dù hết sức cố gắng để nhập vai nhưng nữ PV của chúng tôi không thể bước vào vòng 3, vì chịu không nổi… Trước đó, tại Hàn Quốc, một phóng viên khác đã tiếp cận một số cô dâu VN. Ghi nhận từ đất Hàn cho thấy, đa phần cuộc sống của những cô dâu VN không có màu hồng. 6 tháng ... cũng chờ
Trên chuyến xe tốc hành Cần Thơ- TPHCM, tôi – phóng viên T.P, được đưa đến nhà má H. ở một hẻm nhỏ trên đường Trịnh Đình Thảo (quận Tân Bình, TPHCM). Tại đây, tôi cùng 9 cô gái đi cùng phải làm đủ thứ việc: nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà và dán phong bì thiệp cưới. Đôi tai luôn phải nghe những lời chửi mắng khi làm sai ý chủ nhà. Thủ tục đầu tiên khi đặt chân vào nhà má H là đưa cho bà tất cả giấy tờ có được.Sau đó, bọn tôi bị buộc phải cởi bỏ áo ngoài và trong ra để bà xem ngực với lý do “coi còn trinh hay đã mất”. Hàng ngày, tôi phải làm việc luôn tay và bị đối xử thậm chí thua cả người đi làm thuê nhưng lại không được lãnh tiền công. Mồ hôi nhễ nhại,  L.- một cô gái đi cùng, nói với tôi: “Vậy mà bà mai nói lên trên này chỉ ở trong phòng cho trắng trẻo để đi chào đoàn, không phải làm gì vất vả cả, cơm còn có người nấu cho ăn, nghe lời lên đây, giờ vậy nè”. Hầu hết các cô gái đi cùng đều chấp nhận đi lấy chồng Hàn vì muốn giúp đỡ gia đình cải thiện đời sống kinh tế bởi gia đình quá khó khăn. Chưa đầy 14 tuổi Ch. đã sống cuộc đời làm thuê, từ Phú Quốc hái tiêu ngược xuống Cà Mau đốn mía mướn, rồi trôi dạt lên Cần Thơ sau đó là TPHCM phụ quán cafe. Nghe có đoàn coi mắt đến, Ch. nói với tôi: “Hôm em đi, mẹ phải mượn nợ 500 ngàn, giờ em chỉ mong được chọn”- vừa nói Ch. vừa tiếp tục trang điểm. Tại điểm xem mắt ở nhà hàng H.N. trên đường Phổ Quang, tôi thấy có hơn 300 cô gái đứng ngồi chờ. M, một cô gái đứng gần tôi tâm sự: “Em quê Đồng Tháp, chán cảnh mẹ phải ngày ngày đi làm thuê, cha thì cờ bạc, rượu chè say be bét lại hay đánh đập vợ con, em quyết định đi lấy chồng HQ vì nghe bà dẫn mối nói nếu được chọn, sẽ sung sướng và giàu có...”.  Một cô gái khác tên A. thì cho biết đã ở nhà bà dẫn mối gần 6 tháng nhưng chưa được chọn. A. cũng muốn bỏ cuộc nhưng bà mối đòi thanh toán tiền cơm mỗi ngày 20 ngàn đồng, không có tiền trả nên đành … tiếp tục chờ. “Với lại ở quê, cả xóm đều biết em đi lấy chồng nước ngoài, giờ về thì quê lắm mà ba mẹ thì lại đang  thiếu nợ” – A. nói một cách xót xa.100 cặp mới có vài đôi hạnh phúcTrong khi đó, ở Hàn Quốc, phóng viên Khánh Bình lại ghi nhận quá nhiều câu chuyện buồn từ những cuộc hôn nhân Hàn-Việt. Qua điện thoại, một cô dâu ở tỉnh Kyung Ky Do gần Seoul, tên Mai quê ở Bến Tre vừa khóc vừa kể: “Trước khi lấy chồng, bà mai và phiên dịch nói là chồng em hứa sang Hàn mỗi tháng cho em 200 USD gởi về cho cha mẹ. Nhưng sang đây nó “xù”. Sợ em bỏ trốn nên chồng không cho em đi làm. Muốn chi xài cái gì cũng ngửa tay xin, nhục lắm…”. Còn Hồng mới tròn 23 tuổi, quê ở Đồng Tháp, có chồng lớn gần gấp hai lần tuổi của cô. 3 năm ở xứ Hàn nhưng Hồng chưa biết nấu món ăn Hàn, vì vậy có bữa Hồng nấu món ăn Hàn không đúng gu chồng, bị ông ta nổi nóng đá tung mâm cơm, sau đó đánh đập Hồng dã man. Hồng tâm sự: “Khổ cực thì em chịu được nhưng mỗi khi nhìn mẹ chồng và gia đình chồng xem thường, soi mói em như món hàng họ mua về, em chịu không nổi”. Thế nhưng như ván đóng thuyền, Hồng đành ngậm bồ hòn, không dám viết thư than khổ với cha mẹ ở nhà, người thân vì họ nghĩ rằng cô đang hạnh phúc, sung sướng ở miền đất hứa.Chuyện của Hạnh quê ở Hải Phòng thì hơi khác. Hạnh đến Hàn lao động theo kênh tu nghiệp sinh và ở lại lấy chồng. Hơn 10 năm nay, Hạnh chưa một lần về thăm gia đình. Hàng ngày, Hạnh phải chìa tay xin tiền đi chợ. Khi về cô phải kê khai cặn kẽ lại từng đồng won cho ông ta... Đàn ông Hàn nóng tính, trong đó có nhiều người đụng một tí là la lối và sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Nhiều cô lấy phải ông chồng có tính cục súc, sỗ sàng và hay rượu chè thì than thở: “Cứ tưởng lấy chồng Hàn sẽ sướng, ai dè…”. Tỉnh Kyungky và TP Incheon cách Seoul hơn 1 giờ đi ô tô là nơi  có nhiều cô gái VN lấy chồng Hàn. Phạm Tú Uyên-một phụ nữ VN lấy chồng Hàn Quốc trên 10 năm ở đây bộc bạch: “Những cuộc hôn nhân thông qua môi giới, có mục đích kinh tế hoặc lợi dụng lẫn nhau thường đổ vỡ, đau khổ. May ra, trong 100 cặp vợ chồng Hàn-Việt có được vài đôi hạnh phúc, hài lòng.... Hầu hết cô dâu VN xuất thân ở các vùng quê, ít học, ít hiểu biết. Trước khi lấy chồng Hàn, họ không được trang bị kiến thức tối thiểu về văn hóa, phong tục, tập  quán của người Hàn. Vì thế sang đến nhà chồng, những cô dâu này không biết cách cư xử cho phù hợp”.  Gạt nước mắt và nỗi buồn không biết ca thán cùng ai mỗi  khi màn đêm buông xuống, họ- những cô dâu Việt trên đất Hàn vẫn phải cam chịu kiếp sống tựa như dây tầm gởi… Điều đáng buồn là ít ai dám nói sự thật với gia đình, bè bạn, thậm chí vì “sĩ diện” không ít người còn tô vẽ thêm “màu” cho cuộc sống của mình. Vì thế, làn sóng “lấy chồng Hàn Quốc” vẫn tiếp tục làm xáo động không ít miền quê ở Việt Nam. Dĩ nhiên, không thể buông lời trách cứ họ… bởi họ chính là những nạn nhân cần được bảo vệ, giúp đỡ, sẻ chia.
Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ ảnh 2

Nhóm PV Thời sự xã hội

Thông tin liên quan:

Hàn Quốc: Biểu tình phản đối bài báo về cô dâu Việt

Tôi chính thức xin lỗi nhân dân Việt Nam

Nhật báo Chosun đã bôi nhọ danh dự phụ nữ Việt Nam

Lấy chồng Hàn Quốc: Thực không như mơ

Vụ bài báo về cô dâu Việt: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Yêu cầu báo Chosun chính thức xin lỗi

Những kiểu “tiếp thị” không thể chấp nhận

Tin cùng chuyên mục