Vụ bài báo về cô dâu Việt:

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Vụ việc đã gây xúc động xã hội mạnh mẽ vì nó đụng chạm tới lòng tự ái dân tộc. Nhưng nếu không có sự đụng chạm ấy liệu chúng ta có cảm thấy lòng tự trọng dân tộc của mình bị tổn thương khi biết bao nhiêu sự việc vẫn diễn ra hàng ngày trong sự vô cảm của xã hội?

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" ảnh 1

Biểu tình phản đối bài báo trước trụ sở của Chosun (Ảnh: TTO)

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" là lời dạy về cách hành xử của người xưa. Vụ việc liên quan đến bài viết đăng trên nhật báo Chosun (Hàn Quốc) về hiện tượng “giấc mơ Hàn Quốc” .

Câu chuyện các thiếu nữ VN muốn lấy chồng người Hàn đã gây một sự xúc động mạnh mẽ không chỉ ở VN mà đối với ngay dư luận Hàn Quốc.

Sự phẫn nộ là đương nhiên và những hồi âm đầu tiên khiến chúng ta tin rằng, những sai sót trong cung cách công bố của bài báo sẽ được xử lý theo chiều hướng tích cực.

Dư luận từ phía Hàn Quốc còn bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông đối với tình cảnh những cô dâu Việt hiện đang lấy chồng và sống tại xứ Hàn. Đại diện sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi và bản thân tác giả bài báo cũng đã bày tỏ sự hối lỗi ...

Nhưng điều đáng nói hơn là sau sự phẫn nộ với việc làm sai sót của tờ Chosun, đây là cơ hội chúng ta phải tự soi lại mình. Cho dù cách trình bày của tờ Chosun thế nào chăng nữa nhưng đáng tiếc lại phản ảnh một sự thật đã và đang tồn tại ở nước ta. Vấn đề không chỉ là phê phán thái độ và cung cách thể hiện của người viết bài báo này và trách nhiệm của tờ báo khi công bố mà quan trọng hơn là phải làm gì để chấm dứt thảm trạng này?

Thử đặt giả thiết, nếu không có bài viết xuất hiện trên tờ báo xứ Hàn kia thì chắc chắn thảm trạng này vẫn diễn ra trong sự bàng quan của dư luận và sự bất lực của các cơ quan có trách nhiệm trong nước.

Vụ việc đã gây xúc động xã hội mạnh mẽ vì nó đụng chạm tới lòng tự ái dân tộc. Nhưng nếu không có sự đụng chạm ấy liệu chúng ta có cảm thấy lòng tự trọng dân tộc của mình bị tổn thương khi biết bao nhiêu sự việc vẫn diễn ra hàng ngày trong sự vô cảm của xã hội?  
 
Bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN tâm sự “đã không thể ngủ yên” khi biết đến nội dung bài báo này. Bà đã bỏ họp Chính phủ để chủ trì cuộc họp tại Hội của mình nhằm kịp thời phản ứng với phía các cơ quan có trách nhiệm của Hàn Quốc.

Nhưng bà có thể ngủ yên không khi những sự việc mà bài báo nêu lên vẫn tồn tại trong đời sống thực ở nước ta, khi thân phận của nhiều chị em phụ nữ bị xúc phạm như bài báo đã mô tả và có thể còn tệ hại hơn thế nữa?

Bà cho biết từ năm ngoái Hội đã ra nghị quyết chuyên đề về các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trong đó có vấn đề lấy chồng nước ngoài nhưng nghị quyết đã đi vào cuộc sống hay chưa? Bà cho biết Hội cũng sẽ làm việc với Tổng cục Cảnh sát để đề nghị phối hợp nhằm truy quét các tụ điểm, trung tâm môi giới phụ nữ lấy chồng nước ngoài ...

Điều đó cũng có nghĩa là vì có bài báo trên tờ Chosun và đúng hơn là nhờ sự phát hiện và đưa lên công luận của Tuổi Trẻ chúng ta mới chợt giật mình vào cuộc.

Chắc chắn phía Hàn Quốc sẽ có nhiều lời xin lỗi và nhiều cách để sửa lỗi. Nhưng tôi nghĩ chính chúng ta, tùy theo trách nhiệm của mình cũng phải xin lỗi nhân dân và trước hết là những người phụ nữ mà hoàn cảnh đã buộc họ phải chấp nhận thân phận tủi nhục như vậy.

Tôi tự hỏi tại sao mới chỉ có Bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ lên tiếng, còn biết bao cơ quan có liên quan trách nhiệm về việc này? Và không chỉ với thân phận của một bộ phận các cô gái Việt lấy chồng Hàn Quốc mà còn cả những chuyện tương tự với Đài Loan, Trung Quốc, với Singgapore...

Và không chỉ hiện tượng hôn nhân với người nước ngoài mà cả tình trạng buôn bán phụ nữ qua biên giới ... mà báo chí đã nhiều lần nhắc đến. Đương nhiên, chúng ta hiểu rằng đó là những vấn đề nan giải rất khó khắc phục nhưng nó phải thường xuyên được đặt lên những chương trình nghị sự và dư luận xã hội chứ không phải chỉ đến lúc có ai đụng đến mới ồn ào phản ứng.

Tôi rất muốn rằng, bà Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ sau khi đã bỏ cuộc họp của chính phủ để triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại Hội cũng sẽ đặt trở lại vấn đề này lên bàn của Chính phủ và Quốc hội. Làm sao để bàn những việc làm thiết thực hơn là đòi hỏi sự xin lỗi của người làm sai. Phải biến cái sai của người khác thành cú hích để chúng ta hành động.

Và như vậy, trong thâm tâm tôi, dù không thể đồng tình việc làm của nhà báo Che Sung Woo và nhật báo Chosun của Hàn Quốc nhưng lại nghĩ rằng phải chăng chính nhờ bài báo này, chúng ta mới động đậy !?

 Dương Trung Quốc

Thông tin liên quan:

Hàn Quốc: Biểu tình phản đối bài báo về cô dâu Việt

Tôi chính thức xin lỗi nhân dân Việt Nam

Nhật báo Chosun đã bôi nhọ danh dự phụ nữ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục