
Là một trong hai huyện khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất của tỉnh Thái Nguyên (Võ Nhai ngày 21-3-1945, Định Hóa 26-3-1945), trước Cách mạng Tháng Tám, Định Hóa là căn cứ của Tổng bộ Việt Minh, đại bản doanh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân. Hiện, 24/24 xã, thị trấn của huyện được công nhận xã ATK (An toàn khu), 16/24 xã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Gặp người viết sử làng Quặng
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Định Biên, huyện Định Hóa - ông Hoàng Luận - không chỉ là một người làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian… Việc ông say mê hơn cả là lục tìm quá khứ để tái hiện lịch sử. Cuốn lịch sử xã Định Biên, ông đóng góp rất nhiều tâm huyết đã soạn xong, được ông coi là công trình để đời.
Lịch sử Định Hóa qua giọng kể của ông Luận, dù chỉ nghe một lần, cũng không bao giờ quên:

Bãi thàn mát, nơi hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân.
Đêm 25-3-1945, trung đội Cứu quốc quân do đồng chí Tạ Xuân Thu và Chu Phóng chỉ huy, sau khi giải phóng Sơn Dương (Tuyên Quang), đã bất ngờ tấn công giải phóng châu lỵ Chợ Chu (Định Hóa). Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, với sự phối hợp tấn công dũng mãnh của Cứu quốc quân và tự vệ vũ trang địa phương, bộ máy chính trị quân sự của Nhật bị đập tan.
Sáng 27-3, hàng ngàn quần chúng ở các xã trong huyện kéo về thị trấn Chợ Chu dự mít tinh. Sáng 28-3, tại đình Quán Đế (thị trấn Chợ Chu), giữa rừng người, cờ, biểu ngữ, đại diện Việt Minh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai do thực dân Pháp dựng lên; đọc và giải thích chương trình, điều lệ Việt Minh, hô hào nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực tham gia các đoàn thể cứu quốc, ủng hộ mặt trận Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng.
Ngày 18-4-1945, UBND cách mạng lâm thời Định Hóa được thành lập, đến cuối tháng 4-1945, hầu hết các xã và thị trấn đã bầu xong UBND cách mạng lâm thời.
Đầu tháng 4-1945, hầu hết các châu, huyện thuộc Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã giành chính quyền, mở ra vùng giải phóng liên hoàn, rộng lớn giữa núi rừng Việt Bắc. Lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Tổng bộ Việt Minh chuyển về từ Cao Bằng, lấy Định Hóa làm căn cứ.
Ngày 15-5-1945, tại làng Quặng (xã Định Biên), các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân cùng nhân dân địa phương dự buổi lễ trọng thể hợp nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng và ra mắt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Từ đây, Việt Nam giải phóng quân đi vào cuộc kháng chiến chống Nhật, bảo vệ vùng giải phóng, nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng để giữ vai trò trụ cột của cuộc Tổng khởi nghĩa.
Ngày 27-3 và ngày 15-5 trở thành ngày truyền thống của thị trấn Chợ Chu và xã Định Biên. 60 năm đã trôi qua, rừng rậm Định Hóa giờ đã hóa nương chè bãi ngô, song bãi Thàn Mát, nơi diễn ra lễ hợp nhất, thì vẫn còn xanh nguyên. Hai cây đa đình làng Quặng vẫn uy nghi bên thửa ruộng Nà Nhậu, sừng sững giữ vai trò chứng nhân lịch sử, xác nhận rằng, chính tại nơi đây, Việt Nam giải phóng quân đã được khai sinh để thực hiện sứ mệnh lịch sử.
Những trăn trở hôm nay
Là một trong những địa phương thành lập chính quyền nhân dân sớm nhất trong cả nước, là ATK của trung ương, đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa sớm được hưởng nền tự do, dân chủ với những chính sách thực sự vì lợi ích của nhân dân. Vậy mà sau 60 năm, Định Hóa còn đang rất nghèo. Thu nhập bình quân phấn đấu 3,6 triệu đồng người/năm (hiện đạt 3,3 triệu = 39% của cả nước). “Định Hóa giàu truyền thống, giàu di tích, giàu sức lao động, giàu tiềm năng, và cũng giàu lý do… để nghèo”, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Ích nói.
Thu ngân sách huyện mỗi năm gần 4 tỷ đồng, nông-lâm nghiệp chiếm 50%, giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Không có tài nguyên khoáng sản, 90% diện tích đất là đồi núi, hệ thống các di tích và kinh tế đồi rừng được coi là tiềm năng của địa phương. Những năm gần đây, Định Hóa đã được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư toàn diện thông qua dự án “Tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội vùng ATK”.
Dự án đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư, nhưng lại rơi vào tình trạng “mạnh ngành nào ngành ấy làm”, thiếu một quy hoạch tổng thể, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành du lịch, ngành văn hóa và địa phương do đó dự án “sẽ khó có thể đạt hiệu quả” (theo nhận xét của ông Lương Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa).
Hiện dự án mới chỉ thực hiện được ở phần tôn tạo các điểm di tích, rất có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống nhưng còn rất xa mục đích “phát triển kinh tế xã hội” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Khó khăn lớn nhất của huyện vẫn là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và đường giao thông. Những lĩnh vực được coi là lợi thế, tiềm năng đều chưa được phát huy. Du lịch chưa thể khai thác. Kinh tế vườn rừng còn rất nghèo nàn, tài nguyên rừng mới chỉ được chế biến nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào khai thác chế biến lâm sản tại địa phương.
Hiện, ngoài lúa và chè, người dân Định Hóa bước đầu có thu nhập ổn định từ cây cọ - loại cây bản sắc của vùng Việt Bắc. Khoảng chục năm trước, khi những nhà mái bằng dần thế chỗ nhà sàn thì cây cọ không còn được người dân nâng niu nữa. Người ta đã phá hàng ngàn hécta cọ để trồng chè, trồng mơ. Nay cây cọ lại có giá.
Sản phẩm xương cọ (gân lá cọ), được thu mua tại nhà với giá 4.000đồng/kg, các đại lý thu gom xuất sang thị trường Trung Quốc để làm hàng thủ công. Nghề làm mành cọ cũng khởi sắc trở lại, thị trường ổn định, mang lại thu nhập bình quân cho người lao động khoảng 800.000 đồng/tháng. Những đồi cọ đang dần được khôi phục mở rộng, tạo môi trường cảnh quan hỗ trợ phát triển du lịch.
Có một nghịch lý là, tại các xã nhiều rừng của huyện, thu nhập từ rừng lại rất thấp, bởi lẽ, những xã này được tỉnh khoanh vào “Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường ATK huyện Định Hóa” theo dự án đầu tư và phát triển rừng đặc dụng ATK Định Hóa, người trồng rừng chưa có cơ chế hưởng lợi từ rừng. Câu hỏi: làm thế nào để vừa giữ được rừng cho dự án vừa đảm bảo đời sống cho người dân hiện vẫn chưa có lời giải đáp.
Trong chuyến thăm ATK Định Hóa vào cuối tháng 7-2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã rất quan tâm đến dự án đầu tư phát triển rừng ATK Định Hóa theo mô hình dự án đầu tư tại Pắc Bó (Cao Bằng), với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Dự án này được chấp thuận sẽ là cơ hội để “thủ đô kháng chiến” bước những bước nhanh hơn trong phát triển kinh tế-xã hội.
BẠCH LIỄU