(SGGPO). – Sáng nay, 20-3, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Báo cáo về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ trong quý 1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong quý 1-2014, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình 10 dự án luật. Trừ 1 dự án luật lùi thời hạn trình Quốc hội là Luật Tổ chức chính phủ sửa đổi, trong số 9 dự án luật còn lại thì hiện nay Luật căn cước công dân đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Luật ngân sách Nhà nước sửa đổi đã được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp tháng 2; 7 dự án sẽ được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề lần này.
Về triển khai thi hành Hiến pháp, trong quý 1, Bộ Tư pháp đã phối hơp với các cơ quan liên quan chuẩn bị ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi.
Về tình hình chuẩn bị các dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, ngoài việc xin lùi thời hạn trình Luật tổ chức chính phủ sửa đổi (sang kỳ họp thứ 8), thì theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất bổ sung dự án Luật hộ tịch vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 đồng thời Luật căn cước công dân. Do vậy, tổng số dự án mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây là 9 dự án và cho ý kiến 15 dự án luật.
“Trong quý 1, vẫn còn hạn chế là việc vẫn xin lùi thời hạn trình Quốc hội đối với 2 dự án Luật là Luật là tổ chức chính quyền địa phương và Luật tổ chức chính phủ sửa đổi; xin lùi thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật ngân sách Nhà nước sửa đổi. Có dự án vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định vừa gửi hồ sơ lấy ý kiến thành viên Chính phủ như Luật đầu tư sửa đổi, Luật doanh nghiệp sửa đổi”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Trong quý 2-2014, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ 12 dự án, trong đó Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được nâng lên thành Luật.
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Luật phải đi sát cuộc sống. “Luật phải chuẩn bị kỹ, không để tình trạng xin đưa vào chương trình của Quốc hội rồi lại lùi, rút. Ngoài ra, cần khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật. Lẽ ra khi trình Luật thì đã phải chuẩn bị các Nghị định, văn bản hướng dẫn rồi. Trong số 90 văn bản hướng dẫn còn nợ (trong đó có 58 văn bản nợ từ 2013 chuyển sang) thì phải quyết tâm làm, không để chậm trễ như vậy. Luật đi vào cuộc sống mà chưa có hướng dẫn thì làm sao thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu, các Bộ phải rà soát lại 58 văn bản hướng dẫn thực hiện luật còn nợ từ 2013 theo hướng cái nào không cần hướng dẫn mà luật vẫn triển khai được thì rút ra, ví dụ Nghị định, hướng dẫn về điện hạt nhân, 2020 chúng ta mới xây dựng nên bây giờ chưa cần thiết phải có hướng dẫn, vì chưa có thực tiễn. Ngược lại, cái gì cuộc sống đang đốc thúc thì phải làm sớm.
“Các bộ nếu chưa quyết liệt trong việc xây dựng pháp luật thì cần quyết liệt lên, chỉ rõ những nguyên nhân để khắc phục. Chính phủ luôn nhận thức đây là công việc quan trọng hàng đầu của Chính phủ. Các dự án xin rút thì phải nói rõ tại sao. Nhiều Luật còn tồn đọng các nghị định, văn bản hướng dẫn, luật có hiệu lực từ lâu rồi mà chưa có hướng dẫn, soạn thảo gì mà soạn thảo hoài vậy”-Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Thủ tướng, các Bộ trưởng phải trực tiếp làm luật, cái nào còn vấn đề khác nhau thì lên Chính phủ Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe và cho ý kiến. Có những vấn đề kể cả trong luật không cần hướng dẫn nhưng thực tế đòi hỏi thì vẫn phải có hướng dẫn để thực thi hiệu quả. Những gì còn ý kiến khác nhau thì tổ chức lấy ý kiến, lắng nghe và tiếp thu. Những gì cần sự phối hợp giữa các bộ thì phải tăng cường phối hợp. Tinh thần chung là phải làm luật khẩn trương.
| |
PHAN THẢO