Nội dung quan trọng lại ghi trong phụ lục
Từ 2 năm trước, nghe theo lời mời từ một nhân viên Dai-ichi Việt Nam ở xã Lộc Thủy, vợ chồng chị Bích quyết định mua bảo hiểm cho cả nhà. Con trai là Nguyễn Đạt Duy (sinh năm 2009) tham gia với mức bảo hiểm chính trong 25 năm là 370 triệu đồng. Chị Bích và chồng là anh Nguyễn Văn Đạt tham gia gói bảo hiểm bổ sung có tên thương mại là “Bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao”, với mức bảo hiểm trong thời hạn hợp đồng 25 năm là 150 triệu đồng/người. Tổng mức đóng cho cả 3 người là 2 triệu đồng/quý. Qua gần 2 năm tham gia bảo hiểm, đã đóng 16 triệu đồng, thì tai họa ập xuống, anh Đạt vào TPHCM làm thuê, rồi bị tai nạn giao thông tử vong ngày 15-10-2016. Qua 1 năm sau khi chồng mất, chị Bích vẫn không được Dai-ichi Việt Nam chi trả bảo hiểm.
Chị Bích kể: “Bao lá thư, đơn từ tôi gửi đi chỉ được Dai-ichi Việt Nam hồi đáp rằng chồng tôi không nằm trong diện được bồi thường. Họ nói là khi xảy ra tai nạn, chồng tôi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép, vi phạm pháp luật, nên công ty miễn bồi thường. Khi mời chào ký hợp đồng tham gia “Bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao”, nhân viên Dai-ichi Việt Nam không thông tin về chuyện có những trường hợp sẽ không được bồi thường. Trong hợp đồng họ cũng không ghi thẳng điều khoản miễn trừ bồi thường đó ra, mà nó nằm lẩn trong một cuốn phụ lục. Tai họa ập xuống, tui mất chồng, con mất cha, họ mới mang cuốn phụ lục đó để nói rằng họ đã hướng dẫn. Họ lý lẽ như vậy rồi một xu cũng không bồi thường”.
Quả thật, trong hàng chục trang hợp đồng bảo hiểm của Dai-ichi Việt Nam, duy chỉ có một dòng ghi chú sơ sài nhắc nhở khách hàng “tham khảo thêm” về quy tắc, điều khoản, điều kiện liên quan quyền lợi sản phẩm, mà không ghi rõ ra trường hợp nào khách hàng không được bồi thường. Trong nội dung quyền lợi khách hàng tử vong do tai nạn được hưởng 100% bảo hiểm, không ghi rõ trường hợp nào loại trừ bồi thường. Điều này sẽ dễ gây ngộ nhận và mập mờ với khách hàng. Những “lưu ý quan trọng” trong hợp đồng cũng không đề cập đến trường hợp nào khách hàng bị từ chối bồi thường.
Vào trang web của Dai-ichi Việt Nam giới thiệu “Bảo hiểm tai nạn toàn diện nâng cao” cũng không thấy chữ nào nói về những trường hợp sẽ không được bồi thường.
Chỉ đến thăm viếng, chia buồn
Trả lời về khiếu nại của chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, bà Lưu Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao marketing của Dai-ichi Việt Nam, khẳng định trường hợp của khách hàng Nguyễn Văn Đạt đã được quy định tại điểm g Điều 3 về các quy định loại trừ trách nhiệm bồi thường bảo hiểm: “Chết hoặc chấn thương trong lúc/vì người được bảo hiểm đang bị ảnh hưởng bởi rượu bia hoặc các loại thuốc bất kỳ”.
Phóng viên cũng hỏi với việc đưa ra điều khoản trong phụ lục để loại trừ trách nhiệm bồi thường, liệu công ty có chính sách chăm lo nào đối với gia đình khách hàng bị tử vong, bà Hằng chỉ cho biết: “Sau khi anh Đạt qua đời, nhân viên Dai-ichi Việt Nam thuộc Tổng đại lý ở huyện Phú Lộc có… đến thăm viếng, chia buồn”.
Không chỉ riêng Dai-ichi Việt Nam, thường khi chào mời, tư vấn cho khách hàng, để “câu” được hợp đồng, nhân viên bảo hiểm không thông tin về các điều khoản miễn trừ bồi thường. Do vậy, đến khi hữu sự thì người tham gia bảo hiểm và gia đình không được bồi thường. Đây là bài học cho người tham gia bảo hiểm, đừng vội nghe thông tin tư vấn của nhân viên công ty bảo hiểm, mà phải đọc thật kỹ từng câu chữ trong hợp đồng và phụ lục, cân nhắc việc tham gia các gói bảo hiểm dễ bị từ chối bồi thường khi hữu sự do công ty bảo hiểm có thể viện nhiều lý do để miễn trừ bồi thường.