Tờ New York Times (NYT) ngày 6-3 đã cho đăng tải một thông tin hết sức đáng chú ý, theo đó Chính phủ Mỹ đã “thưởng” hơn 107 tỷ USD cho các công ty nước ngoài và Mỹ làm ăn ở Iran cho dù Mỹ luôn tuyên bố không khuyến khích đầu tư tại Iran.
Số tiền này bao gồm gần 15 tỷ USD trả cho các công ty đã bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ để đầu tư lớn giúp Iran phát triển các mỏ dầu khí khổng lồ. Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn kêu gọi, thậm chí gây sức ép với nhiều quốc gia khác trên thế giới cùng Mỹ hạn chế sự phát triển nền kinh tế của Iran-một lá bài mà Mỹ cho rằng, sẽ khiến Iran từ bỏ các chương trình hạt nhân của nước này. Nhưng với những tiết lộ của NYT, Mỹ lại một lần nữa cho thấy sự “tiền hậu bất nhất” cũng như tính thực dụng của quốc gia này, khi vừa muốn gây sức ép lên Iran nhưng vừa muốn lợi dụng nền công nghiệp dầu mỏ của nước này để đạt lợi ích kinh tế.
Theo bài viết trên NYT, chính quyền của cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, đã đưa ra những bức thông điệp lẫn lộn cho giới doanh nghiệp khi những công ty này làm ăn với Iran, cả hai chính phủ đều đã “thưởng” cho các doanh nghiệp mà lợi ích thương mại của họ xung đột với các mục tiêu an ninh của Mỹ. Có tới trên 2/3 số tiền của chính phủ chui vào túi các công ty làm ăn trong ngành công nghiệp năng lượng Iran, lĩnh vực được xem là chủ lực của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Trong khi đó, chính IRGC lại đang là tâm điểm trong kế hoạch trừng phạt của chính quyền Obama, do sự dính líu của họ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Các khoản chi của Chính phủ Mỹ bao gồm 102 tỷ USD chi cho các hợp đồng xây dựng kể từ năm 2000, gần 4,5 tỷ USD dưới dạng các khoản cho vay và bảo lãnh vay của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu. Khoảng 500 triệu USD khác được chi dưới dạng viện trợ cho việc nghiên cứu ung thư, chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nhiên liệu. Thêm vào đó, các công ty chuyên về khí đốt, dầu mỏ làm ăn với Iran còn được ưu ái khai thác 14 triệu mẫu đất ở khu vực ngoài khơi và đất liền của liên bang.
Chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố rằng, đã thành công khi yêu cầu các chính phủ liên minh hay thậm chí còn trực tiếp đối thoại với các công ty để can ngăn họ không đầu tư vào Iran. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn nỗ lực thuyết phục các ngân hàng cô lập Iran để nước này rơi vào bế tắc.
Tính “tiền hậu bất nhất” của Chính phủ Mỹ được thể hiện qua rất nhiều sự kiện. Đầu tiên là tập đoàn công nghiệp khổng lồ Daelim của Hàn Quốc. Năm 2007, Daelim đạt được hợp đồng trị giá 700 triệu USD để nâng cấp một nhà máy lọc dầu ở Iran. Theo Trung tâm nghiên cứu Quốc hội Mỹ, đáng lẽ Daelim sẽ phải chịu sự trừng phạt theo Đạo luật Trừng phạt Iran, trong đó có cả việc không được nhận các bản hợp đồng kinh tế của Chính phủ Mỹ.
Nhưng kỳ lạ thay, năm 2009, Chính phủ Mỹ đã “tặng” tập đoàn này 111 tỷ USD thông qua bản hợp đồng xây dựng tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc. Tranh cãi về việc đạt được hợp đồng xây dựng chưa kịp êm, vài tháng sau đó, Daelim lại thông báo sẽ hợp tác với Iran khai thác khí đốt ở South Pars với hợp đồng trị giá 600 triệu USD. Tiếp theo là Tập đoàn dầu khí Shell của Hà Lan. Năm 1999, Shell đã ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD để phát triển 2 giếng dầu tại Iran. Sau đó, không những không bị trừng phạt, Shell còn giành được hợp đồng và khoản trợ cấp của Mỹ trị giá 11 tỷ USD mà chủ yếu là để cung cấp nhiên liệu cho quân đội Mỹ…
Với những mâu thuẫn trong tuyên bố và việc làm của Chính phủ Mỹ, tờ NYT kết luận rằng sẽ còn có rất nhiều cửa làm ăn cho các công ty muốn tham gia thị trường Iran mà không phải lo sợ sự trả đũa cũng như đánh mất các dự án kinh tế của Chính phủ Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là, có phải lệnh trừng phạt chỉ áp dụng cho các công ty đối thủ, còn các đối tác của Mỹ vẫn có thể đầu tư vào Iran? Mọi chuyện đều có thể xảy ra với một quốc gia thực dụng như Mỹ.
Đỗ Cao