Thương hiệu

Trước ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), ngẫu nhiên người viết gặp bác sĩ Nguyên, người từng bị dư luận xầm xì về ca phẫu thuật cắt nhầm 2 quả thận ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ mấy tháng trước. Bên sông nước mênh mang của Tây Đô, ông có dáng vẻ nghệ sĩ, ăn nói kiệm lời, với ánh mắt buồn lơ đãng ngắm đám lục bình trôi dạt… Tôi có cảm tưởng ông sống hướng nội và đến giờ vẫn chưa thôi day dứt với sự cố mà người thầy thuốc nào dù có tay nghề cao đến mấy cũng từng phải đối mặt.

Dù lỗi của kíp mổ đã được phân xử, trong đó có cả sự “góp sức” của khâu chẩn đoán hình ảnh, của máy móc cũ kỹ và của cả tạo hóa đã khiến người bệnh mang quả thận dị dạng bẩm sinh nhưng ông không than phiền gì vì hiểu rõ trách nhiệm của mình - một bác sĩ phẫu thuật vào hàng cứng cáp nhất ở ĐBSCL - khi từng đường dao, nhát cắt quyết định sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, như ly nước nóng để lâu rồi sẽ nguội. Trong cuộc đời, chỉ có hai nghề được gọi là “thầy” là thầy thuốc và thầy giáo, cho nên áp lực là đương nhiên và những người khoác áo blouse trắng như ông buộc phải chấp nhận, buộc phải cười, phải khóc, phải vui trước sự phán xử của xã hội.

Tất nhiên, người ta nói về ngành y phần nhiều là chua chát, với hàm nghĩa tiêu cực, nào là quá tải về giường bệnh, cách khám chữa bệnh đến “quá tải” cả về y đức, rồi thì thầy thuốc ngày nay chỉ thích mỗi “phong bì” và loại hoa yêu thích nhất là… hoa hồng mỗi khi kê đơn, bắt mạch… Điều đó đúng là có thật, ở rải rác đâu đấy, sức khỏe như luật bất thành văn vẫn được coi như mặt hàng có sự “trả giá”.

Nhưng “nói vậy mà không phải vậy” vì mỗi khi ta trở bệnh và mở mắt ra thì hình ảnh đầu tiên là người thầy thuốc đứng kế bên, với ánh mắt dịu dàng, đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”. Và bạn có biết cuộc đời còn đầy những nghĩa cử cao đẹp mà chỉ có những người từng tuyên thệ lời thề Hippocrate mới dám thể hiện như một người tôi từng biết là bác sĩ Tiếng, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy đã nghỉ hưu, người không những không bao giờ lấy tiền khám bệnh tại phòng mạch tư gia đối với người nghèo, người có thu nhập thấp mà còn cho cả tiền thuốc với những hoàn cảnh quá khó khăn. Phải nói rằng họ chiếm số đông và họ “miễn dịch” với lối sống thị trường đầy thực dụng đang lấn át cuộc sống ngày nay.

Những thành tựu của ngành y tế là hiển nhiên khi tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt 72,8 tuổi nhờ những ứng dụng tiên tiến nhất thế giới như chẩn đoán hình ảnh, mổ nội soi, mổ tim hở, kỹ thuật mổ sọ não bằng dao Gamma, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép gan, thận và điều trị ung bướu…, nhưng vẫn còn đó những trăn trở và thách thức rất khó vượt qua.

Trước nhất vẫn là tình trạng quá tải bệnh viện kéo theo đủ hệ lụy như y đức xuống cấp và chất lượng khám chữa bệnh không đồng đều ở các tuyến y tế. Và thực tế người đứng đầu ngành y tế đã quá thấu hiểu vấn đề để “kê toa” trị tận gốc căn bệnh này. Những giải pháp bà nêu ra cũng giống như các đời bộ trưởng khác đều đúng và đủ như phải xây thêm bệnh viện, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, luân chuyển cán bộ “cầm tay chỉ việc” cho thành thạo ở tuyến cơ sở theo đề án 1816… song có gì đó vẫn gây “lăn tăn” về khả năng thực thi của dự án “giảm tải sau 3 năm” khi chúng ta thiếu hụt đủ thứ và nhìn đâu cũng thấy sự ngổn ngang.

Chẳng hạn TPHCM cần thêm khoảng 5.000 giường bệnh nhưng kiếm đâu ra khoảng 15.000 y bác sĩ tương ứng với số chỗ nằm nếu có? Rồi liệu xây dựng các bệnh viện vệ tinh xoay quanh trục là các bệnh viện tiếng tăm có làm triệt tiêu tuyến y tế cơ sở không được chọn là “vệ tinh”? Ở đây, điều thấy rõ là chúng ta đang lạm dụng từ “thương hiệu” với cách sử dụng khá tùy tiện. Đến mức không thể hiểu được tại sao trong cuộc sống cái gì cũng phải gắn mác “thương hiệu”, từ đồ tiêu dùng, đến trường học và cả lĩnh vực y tế. Thụy Điển hoặc Singapore đâu có mấy nhãn hàng có thương hiệu mà vẫn phát triển ầm ầm với hệ thống phúc lợi xã hội hoàn hảo?

Tất nhiên có thương hiệu bệnh viện là tốt hơn không có nhưng đó không phải là đích đến khi chúng ta đang xóa dần khoảng cách giàu nghèo, xóa dần sự cách biệt quá lớn giũa các tuyến y tế và phân định rõ chức năng của từng cơ sở trong hệ thống khám chữa bệnh chung. Và chung quy “thương hiệu” lớn nhất vẫn là người thầy thuốc Việt Nam giỏi về chuyên môn, giàu lương tâm và tình thương như căn dặn của ông tổ nghề y Hải Thượng Lãn Ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công”.

Bích An

Tin cùng chuyên mục