Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 15 về việc chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã chỉ đạo cho các lực lượng nhanh chóng nghiên cứu tình hình mở các tuyến đường vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” lấy tên Đoàn 559 làm nhiệm vụ nghiên cứu mở đường giao thông quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn. Đồng thời, Bộ Tổng tư lệnh thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603 thuộc Đoàn 559, hoạt động dưới hình thức là tập đoàn đánh cá mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”.
Chuyển quà tặng ra Trường Sa. Ảnh: Việt Dũng
Sau khi nghiên cứu tình hình trên biển và chuẩn bị phương tiện, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh thành lập đơn vị vận tải thủy lấy mật danh Đoàn 759. Sự ra đời Đoàn 759 đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức vận chuyển trên con đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, ngày 23-10 hàng năm trở thành mốc lịch sử quan trọng, là ngày truyền thống thành lập đơn vị Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125 ngày nay. Đó cũng là dấu mốc mở đường vận chuyển chiến lược trên biển chi viện cho miền Nam, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ngày 10-4-1962, chuyến đi trinh sát đầu tiên được tổ chức, sau 8 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) và ngày 1-8-1962 tàu trinh sát trở về miền Bắc an toàn. Từ kết quả chuyến đi trinh sát đầu tiên thành công đó, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết về vận tải đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đêm ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên mang mật danh “Phương Đông 1” cùng với 13 cán bộ, đảng viên do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở 30 tấn vũ khí đã rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn - Hải Phòng) vượt biển sau 9 ngày cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến đi vận tải đầu tiên thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đã củng cố niềm tin cho cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là đồng bào miền Nam càng tin vào Đảng, vào hậu phương miền Bắc XHCN. Sự kiện này đánh dấu tuyến vận tải chiến lược xuyên biển Đông đã được mở. Nhận được tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện biểu dương khen ngợi và chỉ thị “hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.
Những năm tiếp theo, đoàn đã tổ chức thành công hàng chục tàu vận tải nhỏ, trang bị thô sơ, vượt qua sóng gió và sự theo dõi săn đuổi, ngăn chặn của địch, chuyên chở hơn 1.000 tấn vũ khí cho các chiến trường Nam bộ góp phần quan trọng để quân dân các địa phương đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp với nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, đồng thời khẳng định phương thức vận chuyển đường biển là tối ưu và hiệu quả nhất. Từ đó, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ vận tải đường biển cho Quân chủng Hải quân phụ trách. Ngày 29-1-1964, đoàn được điều về trực thuộc Quân chủng Hải quân và đổi tên thành Đoàn 125 mang mật danh “Đoàn tàu không số”. Suốt 14 năm liên tục, từ năm 1962 - 1975 trên con đường biển mang tên Bác kính yêu, Đoàn 125 đã huy động gần 1.000 lượt tàu, đi gần 4 triệu hải lý, vận chuyển hàng ngàn lượt người và hơn 97.000 tấn vũ khí, đạn dược, hàng hóa đến các tỉnh duyên hải miền Trung và cực Nam Tổ quốc chi viện cho chiến trường miền Nam và chở cán bộ từ Nam ra Bắc công tác, học tập.
Như một mũi tiến công thọc sâu, các chuyến tàu len lỏi qua những luồng lạch, kênh rạch chằng chịt, đưa lực lượng, vũ khí, trang bị đến các chiến trường Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ. Tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN, quân giải phóng có điều kiện mới để phát triển lớn mạnh, nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn được hình thành; tổ chức nhiều trận đánh lớn giành được thắng lợi vang dội, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề buộc chúng phải bị động thay đổi các hình thức chiến tranh.
Kể từ buổi ban đầu tìm đường, mở lối cho đến ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vận tải quân sự trên biển đã viết nên bản anh hùng ca về ý chí và sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; trở thành một nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ; để lại nhiều bài học quý giá, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng của các tập thể, cá nhân đã đi vào lịch sử; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó tập thể Đoàn 125 hai lần được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước ta chuyển sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân chủng Hải quân tham gia vận chuyển cơ động lực lượng chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Phát huy những thành tích, chiến công đạt được, các đơn vị tàu vận tải hải quân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ Trường Sa với khẩu hiệu “Tất cả vì Trường Sa, tất cả cho Trường Sa của Tổ quốc”.
Đại tá Phạm Văn Phèn
Chính ủy Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân