“Tiêu chuẩn kép” trong đàm phán TPP

Tổng thống Obama muốn các quốc gia khác mở rộng tự do thương mại nhưng ông lại sẵn sàng bảo vệ thuế quan của ngành dệt may nội địa. Câu chuyện nghịch lý này đã được nêu trong bài viết của nhà báo Rushford đăng trên báo Wall Street Journal (Mỹ). Tác giả bài viết cho rằng ông Obama dường như đang muốn áp đặt “tiêu chuẩn kép” trong Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.

Cuộc đàm phán về TPP giữa Mỹ và 9 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Dallas mang đến những hy vọng về liên kết tài chính giữa châu Á và các nước đối tác. Tổng thống Obama từng tuyên bố TPP sẽ là một mô hình không chỉ cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn cho các hiệp định thương mại trong tương lai. Tuy nhiên, chương trình nghị sự châu Á đầy tham vọng của Tổng thống Obama vấp phải nỗ lực vận động hậu trường của các nhóm bảo hộ mậu dịch trong nước.

Ông Obama vốn có quan hệ mật thiết với các tổ chức vận động hành lang ngành dệt may từng hỗ trợ ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Ngành công nghiệp này đã được hưởng lợi từ hàng rào thuế quan cao và các chương trình bảo hộ khác nhau kể từ thế kỷ 18. Cũng vì lý do đó, các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã theo đuổi đường lối cứng rắn chống lại tự do hóa thương mại ngành này vì mục đích lợi nhuận và sử dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch như hàng rào thuế quan, thuế chống bán phá giá…

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã đòi hỏi các đối tác tham gia TPP, trong đó có Việt Nam, chấp thuận những quy định mới mà Mỹ cho rằng sẽ mang lại tính minh bạch và hiệu quả theo quy luật thị trường đối với các doanh nghiệp nhà nước. Phía Việt Nam coi đó là “tiêu chuẩn kép”. Việt Nam hiện là nhà cung cấp quần áo lớn thứ hai của Mỹ. Các nhà đàm phán thương mại Việt Nam đang kiên quyết đòi phía Mỹ từ bỏ việc đánh thuế cao đối với mặt hàng may mặc và giày dép, đang dao động từ 18% đến 36%.

Chính sự nghịch lý của Chính phủ Mỹ đã làm nảy sinh những tranh luận gay gắt giữa hai phe. Phe “thế kỷ 21” bao gồm các tập đoàn xương sống của nền kinh tế Mỹ như Boeing, General Electric, Intel, Microsoft, New York Life, Citi và Federal Express thì mạnh mẽ ủng hộ TPP đề ra những quy tắc cạnh tranh mới và minh bạch đối với các tập đoàn châu Á - Thái Bình Dương do nhà nước điều hành.

Phe còn lại, ra sức phản đối các thỏa thuận TPP dỡ bỏ các hàng rào thuế quan gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có chủ trương theo “chủ nghĩa dân tộc giả mạo” do họ lo sợ sự đổ bộ của mặt hàng giá rẻ từ châu Á khiến họ mất thị phần trong nước vì không đủ sức cạnh tranh.

Hội đồng quốc gia các tổ chức dệt may còn đề nghị Nhà Trắng áp dụng nguyên tắc “ưu tiên nguồn gốc sợi”, nghĩa là chỉ nhượng bộ thuế quan cho hàng may mặc các nước mua vải, sợi từ các thành viên TPP. Và như vậy các nước như Việt Nam, Malaysia… phải mua vải, sợi của Mỹ, không thể mua của Trung Quốc nếu muốn cắt giảm thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Trong sân chơi thương mại toàn cầu luôn đòi hỏi sự công bằng giữa các bên. Vì thế, chừng nào ông Obama vẫn không chịu làm những gì mà ông đòi hỏi ở các đối tác thì không thể mong đợi có nhiều tiến bộ trong đàm phán đưa TPP thành hiện thực. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục