Với xu thế mở rộng của World Cup, về lý thuyết, đến một lúc nào đó trong tương lai, chuyện có mặt tại giải đấu lớn nhất của làng túc cầu thế giới không còn là chuyện nằm ngoài tầm tay.
Thậm chí, với ý tưởng các quốc gia Đông Nam Á cùng nhau đăng cai một kỳ World Cup, thì việc tham dự còn dễ dàng hơn với tư cách chủ nhà. Nhưng, bóng đá Việt Nam cần nhiều điều kiện để trở thành một đội bóng đủ chất lượng tranh tài ở World Cup.
Đầu tiên là chiến lược tiếp cận, hay nói cách khác, là nuôi dưỡng cơ hội. Thực tế cho thấy, không có quốc gia nào tự nhiên có được vé dự World Cup ngoài các trường hợp làm chủ nhà như Qatar năm nay. Dù World Cup có mở rộng đến đâu, thì muốn có vé, phải trải qua quá trình sàng lọc quyết liệt ở từng khu vực, châu lục để chứng tỏ các phẩm chất xứng đáng của mình.
Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm 20 nền bóng đá hàng đầu châu Á, sẽ có một quá trình dài hơi và cần rất nhiều thời gian để chúng ta nằm trong tốp 10 châu lục, qua đó tự mình quyết định cơ hội World Cup. Như vậy, việc đầu tiên phải làm đó là không để rơi ra ngoài nhóm 20 đội, sau đó sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách với tốp 10. Chỉ riêng việc này thôi cũng đã không đơn giản.
Kế đến, đó là vấn đề của đầu tư và tầm nhìn. Như đã nói, một khi World Cup được mở rộng, cơ hội đến với Việt Nam thì cũng đến với các nền bóng đá khác. Sự cạnh tranh vì thế còn lớn hơn trước. Không nói đâu xa, khi Việt Nam khởi động chương trình “Giấc mơ World Cup” với lứa cầu thủ U17 cách đây 3 năm, thì bóng đá Indonesia đã thực hiện hàng loạt việc như đăng cai U20 World Cup, xin gia nhập làng bóng đá Đông Á để tăng cơ hội thi đấu đỉnh cao.
Trong khi đó, Thái Lan sẵn sàng triệu tập các cầu thủ trẻ gốc Thái ở nước ngoài để đẩy nhanh chất lượng đội tuyển. Bóng đá Việt Nam có thể tự tin vào nguồn nhân lực của mình, nhưng nếu không có một chiến lược đầu tư hợp lý, thì cơ hội sẽ thuộc về các quốc gia khác có tiềm lực tài chính cũng như sẵn sàng làm mọi thứ có thể để dự World Cup. Bài học của bóng đá nữ Philippines đang đe dọa ngôi vị số 1 Đông Nam Á của tuyển nữ Việt Nam là minh chứng.
Ở góc độ khác, cơ hội dự World Cup càng gần, thì tư duy lập kế hoạch của bóng đá Việt Nam cần thay đổi. Cần có những đột phá, quyết định mang tính chất đặc biệt thay vì vẫn áp dụng mô hình đào tạo tập trung và chờ đợi sự xuất hiện có phần may mắn của một thế hệ hay một HLV như ông Park Hang-seo.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đã làm được nhiều việc quan trọng, như đưa ra chương trình “Giấc mơ World Cup” có sự tài trợ của Vin Group hay thành lập đội tuyển U15 có sự hợp tác cùng bóng đá Đức để có điều kiện cọ xát thường xuyên. Nhưng những giải pháp đó là chưa đủ để tạo ra khác biệt đáng kể và mục tiêu của nó chỉ là “một lần được dự World Cup”, không có yếu tố bền vững.
Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, tức là phải có sự hội tụ nguồn lực đủ lớn để cụ thể hóa các chiến lược. Phải có thêm sự đóng góp về tài chính, sự đam mê của doanh nghiệp và công chúng.
Không có các yếu tố đó, sẽ không thể mở rộng được số lượng CLB chuyên nghiệp, thêm nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng thi đấu cũng như tính minh bạch của nền bóng đá. Làm sao để thu hút nguồn lực xã hội cùng làm, đó chính là câu chuyện về tầm nhìn của những người làm bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam đang trong chuỗi thành công với nhiều thành tích ấn tượng. Điều đó tạo dựng niềm tin để cả Nhà nước và toàn xã hội chung tay hoạch định nên một chiến lược đủ tầm, đưa đội tuyển “Rồng Vàng” hãnh tiến bước ra sân chơi túc cầu tầm cỡ nhất hành tinh.