Tìm giải pháp ổn định thị trường dầu mỏ

Theo Hãng tin Economic Times, dự kiến ngày 19-10, hội nghị của Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ (Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác) diễn ra với trọng tâm tìm giải pháp ổn định thị trường dầu mỏ khi đứng trước nhiều rủi ro do diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.

Đối mặt với sức ép 

Trước thềm phiên họp, Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC) đã thảo luận về những rủi ro hiện nay đối với giá dầu khi nguồn cung tăng do Libya vừa khởi động lại hoạt động sản xuất tại mỏ dầu lớn nhất Sharara. Bên cạnh đó là việc dịch bệnh chưa thể kiểm soát trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ có chiều hướng đi xuống do nhiều nước ủng hộ nhiên liệu sạch. Tại cuộc họp, JTC nhấn mạnh việc đối thoại và hợp tác để đạt được một hệ thống năng lượng ổn định và linh hoạt hơn vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên. 

Nhà máy lọc dầu Brega, phía Đông Libya 
Sức ép đang đè nặng lên cuộc họp của OPEC+ nhưng việc có tìm ra giải pháp khả thi trong giai đoạn hiện nay hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Trong năm nay, thị trường dầu mỏ có nhiều biến động khi chứng kiến lần lượt nhiều đợt sụt giảm mạnh. Trước đây đã có những đợt sụt giảm giá dầu nhưng lần này thì khác. Khi người dân, chính phủ và giới đầu tư quan tâm hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp năng lượng sạch đang được đà phát triển. Thị trường vốn đã thay đổi, phản ánh qua việc cổ phiếu năng lượng sạch tăng 45% trong năm nay. Với lãi suất gần bằng 0, các chính trị gia đang ủng hộ các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng xanh. Hệ thống năng lượng của thế kỷ 21 đang hứa hẹn sẽ tốt hơn thời đại dầu mỏ do có nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy sẽ mang lại sự ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Tuy nhiên, sự thay đổi này có rủi ro lớn bởi nó có thể làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia dầu mỏ.

Duy trì mức cắt giảm sản lượng 

Giải pháp trước mắt để ổn định thị trường dầu mỏ là duy trì cắt giảm sản lượng ở mức 9,7 triệu thùng/ngày. Giải pháp trên được Saudi Arabia và Nga, 2 quốc gia có tiếng nói trong OPEC+ ủng hộ. OPEC+ từng có kế hoạch tăng sản lượng dầu mỏ trong năm 2021 nhưng nhiều khả năng sẽ phải xem xét lại. Lý do là dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh ở nhiều nước, trong khi việc Libya nối lại hoạt động khai thác, xuất khẩu đang đe dọa làm tăng nguồn cung dầu thô.

OPEC đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong 60 năm thành lập. Tổ chức có trụ sở tại Vienna (Áo) này thường xuyên triệu tập các cuộc họp định kỳ để đánh giá tình trạng cung và cầu trên thị trường. Diễn biến các cuộc họp ảnh hưởng mạnh đến thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, quyền lực của OPEC đã thu hẹp trong những năm gần đây khiến các nước này phải hợp tác với 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC, trong đó có Nga, để hình thành OPEC+. Liên minh OPEC+ này được hình thành nhằm mục tiêu hạn chế tổng sản lượng khai thác chung.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau cú sốc Covid-19 cùng với mức tăng trưởng nhu cầu thấp hơn. Chiều hướng khả quan sẽ xảy ra khi kinh tế thế giới phục hồi vào năm 2021, theo đó thị trường dầu mỏ phục hồi vào năm 2023 sau khi sụt giảm 8% trong năm 2020 và đạt đỉnh tiêu thụ vào năm 2030-2040. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến suy giảm kinh tế thế giới khiến tình trạng phục hồi nhu cầu dầu thô kéo dài đến năm 2025.

Tin cùng chuyên mục