Lần đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ bùng phát cách đây gần 2 tuần, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý gặp đại diện người biểu tình. Theo dự kiến, cuộc gặp sẽ diễn ra vào hôm nay, 12-6.
Người biểu tình chiếm đóng các đường phố
Kết thúc cuộc họp nội các kéo dài 6 giờ bàn biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng do làn sóng biểu tình gây ra, Phó Thủ tướng Bulent Arinc cho biết ông Erdogan đã xếp lịch gặp các thủ lĩnh phe biểu tình theo đề xuất của nhóm mang tên “Nền tảng công viên Gezi”.
Nhóm này được đặt theo tên công viên chạy dọc quảng trường Taksim ở Istanbul, nằm trong diện giải tỏa để xây trung tâm thương mại, kế hoạch đang gây bất bình trong dân chúng. Tại cuộc gặp, các đại diện phe biểu tình sẽ được thông báo về kế hoạch của Chính phủ và Thủ tướng Erdogan sẽ lắng nghe ý kiến của họ.
Mặc dù có cử chỉ hòa giải, nhưng chính phủ Thủ tướng Erdogan tuyên bố sẽ không để xảy ra thêm bất kỳ cuộc biểu tình trái phép nào trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 11-6, cảnh sát vẫn phải dùng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình ở trung tâm thủ đô Ankara, trong khi người biểu tình vẫn tụ tập kín quảng trường Taksim và tuyên bố sẽ không rút khỏi nơi này cho tới khi ông Erdogan từ chức. Hàng ngàn người biểu tình đang chiếm đóng các đường phố ở 2 thành phố lớn là Istanbul và Ankara, bất chấp ông Erdogan trước đó một ngày cảnh báo họ sẽ phải trả giá vì các cuộc biểu tình liên tiếp.
Tính đến nay, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã khiến 3 người thiệt mạng và 4.800 người khác bị thương, trong đó có gần 600 cảnh sát.
Giọt nước tràn ly
Không bao lâu sau khi thông báo đồng ý gặp người đại diện của phe biểu tình, Tổng thống Abdullah Gul cũng đã phê chuẩn Luật hạn chế bán và quảng cáo rượu gây tranh cãi, vốn được coi là một trong số những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình bạo loạn kéo dài hơn 10 ngày qua ở nước này.
Theo luật trên, việc bán rượu và các sản phẩm có cồn trên toàn quốc sẽ bị cấm từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Mọi hoạt động quảng cáo các sản phẩm có cồn, như phổ biến và trưng bày rượu hoặc sản phẩm có nhãn mác các hãng sản xuất, tham gia tài trợ... hay bán hạ giá sản phẩm, đều bị cấm hoàn toàn (ngoại trừ tại các hội chợ triển lãm chuyên ngành). Các nhà hàng, quán bar, điểm kinh doanh rượu phải có giấy phép, và phải nằm cách các cơ sở giáo dục và tôn giáo ít nhất 100m.
Theo AFP, bộ luật trên, được các nghị sĩ nước này thông qua ngày 24-5, đã gây tranh cãi trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và kích động làn sóng biểu tình tại nhiều nơi. Một bộ phận lớn trong dân chúng chỉ trích rằng đây là dấu hiệu của sự bảo thủ và xâm phạm đời sống cá nhân. Các đảng đối lập ở nước này cũng cáo buộc AKP đang muốn tiến tới mô hình nhà nước Hồi giáo bảo thủ, thay vì nhà nước thế tục như hiện nay.
Luật này được thông qua trong bối cảnh Thủ tướng Erdogan đang chịu sức ép từ Liên minh châu Âu (EU) và một số nước phương Tây phải giải quyết cuộc khủng hoảng này. Theo giới phân tích, nếu chính quyền Ankara không nhanh chóng có các biện pháp thiết thực nhằm xoa dịu lòng dân, thì khả năng kịch bản Mùa xuân Ảrập – từng quét qua nhiều quốc gia trong khu vực – tái diễn tại đây là điều không quá xa vời.
Những diễn biến căng thẳng hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần là phản ứng của người dân trước một dự án hay một đạo luật gây tranh cãi của chính phủ. Thực tế từ các nước đã bị Mùa xuân Ảrập quét qua cho thấy đó chỉ là cái cớ, là giọt nước tràn ly cho những bất bình ngấm ngầm lâu nay của người dân về cách thức điều hành đất nước của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.
HẠNH CHI (tổng hợp)