Không dưới 3 lần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến khái niệm “Tinh thần Park Hang-seo” trong các chỉ đạo của mình đối với một số bộ, ngành. Thủ tướng cho rằng, tầm nhìn bố trí đội hình, dành nguồn lực, trí lực… hợp lý là những gì mà HLV Park Hang-seo đã làm nên thành công cho bóng đá Việt Nam. Các yếu tố đó, cũng nên áp dụng cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. “Tinh thần Park Hang-seo” là yếu tố đặc biệt nhất để tạo ra những điều “vô tiền khoáng hậu” của bóng đá Việt Nam trong năm Mậu Tuất. Không cần phải nhắc lại những thành tựu, điều quan trọng là cảm hứng từ “Tinh thần Park Hang-seo” đã thực sự đi vào cuộc sống như một công thức mới dành riêng cho người Việt trong cách tư duy và tiếp cận để phát triển công việc của mình. Giá trị lớn nhất của nó chính là khả năng thúc đẩy người Việt tự phá vỡ các giới hạn bản thân bằng lòng tin vào năng lực và sự tận tụy.
Nhưng nói đến tầm ảnh hưởng của “Tinh thần Park Hang-seo” thì không thể không nói đến việc áp dụng nó cho chính lĩnh vực thể thao mà bóng đá chỉ là một khía cạnh. Trên thực tế, kể từ khi lần đầu tiên lên ngôi số 1 thể thao khu vực ở SEA Games 2003 đến nay, thể thao Việt Nam cũng đã có những thành tích, cá nhân thi đấu xuất sắc ở tầm thế giới và châu lục. Tiêu biểu như HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hay hạng 5 thế giới ở môn cầu lông của Nguyễn Tiến Minh. Đấy là những ví dụ điển hình cho năng lực của người Việt Nam trong các cuộc đấu bao gồm cả thể chất lẫn tư duy.
Thế nhưng, các thành tựu ấy lại diễn ra không thường xuyên, khả năng duy trì được đẳng cấp cũng không lâu dài, sự kế thừa lại rất chậm, thậm chí là không xảy ra. Điều đáng nói hơn là các thành tựu ấy đều đến từ những môn thể thao có truyền thống, không chịu nhiều thua thiệt về mặt hình thể, nhưng hầu như không có một chiến lược phát triển đặc biệt nào để tận dụng cảm hứng từ những cá nhân tiên phong.
Xét ở nhiều góc độ, chính bóng đá mới là môn có khả năng kém nhất trong việc phát triển tầm châu lục, thế giới. Tìm một cá nhân đặc biệt đã khó, tập hợp mấy chục con người cùng một trình độ, hình thể lại còn khó hơn, chưa nói đến công tác huấn luyện và đầu tư cũng gấp hàng chục lần những môn thể thao khác. Chúng ta đã mất hơn 2 thập kỷ, trải qua ít nhất 3 thế hệ, mà vẫn loay hoay tìm cách đứng đầu Đông Nam Á. Thế nhưng, chỉ trong vòng 1 năm, HLV Park Hang-seo đã làm thay đổi tất cả. Hiện nay, với một chút mơ mộng, bóng đá Việt Nam đã bắt đầu nói về việc giành quyền dự World Cup. Rõ ràng, nơi mà “Tinh thần Park Hang-seo” cần được áp dụng nhiều nhất, cần đạt hiệu quả cao nhất, chính là lĩnh vực thể thao.
Bài học cũng rất rõ ràng. Trước khi thăng hoa cùng HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã có chiến tích vào tứ kết Futsal World Cup, có chiếc vé dự U20 World Cup, có 6 đội tuyển dự VCK châu Á, có hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào làng cầu nội địa… Đó là một quá trình không hề ngắn, được duy trì ở một thời gian nhất định trước khi may mắn có được bản hợp đồng với nhà cầm quân người Hàn Quốc. So sánh với các môn thể thao khác, có lẽ vấn đề nằm ở tầm nhìn của những nhà quản lý của từng môn. Thể thao Việt Nam có nguồn nhân lực, có hệ thống phát hiện tài năng, nhưng lại luôn thiếu sự ổn định ở bộ máy điều hành nên tầm nhìn bị giới hạn khiến việc kết nối các nguồn lực tài chính cũng như tìm kiếm chuyên gia giỏi không bao giờ đạt kết quả tốt.
Năm Kỷ Hợi 2019, Thể thao Việt Nam sẽ có đấu trường SEA Games và những giải đấu giành suất dự Olympic. Chưa lúc nào mà “Tinh thần Park Hang-seo” có thể truyền cảm hứng và cần được các nhà quản lý nghiền ngẫm áp dụng hơn bây giờ.