
Đề cập đến kỳ vọng 2009, người ta thường nhắc đến sự kết thúc một phần xung đột Trung Đông (không chỉ giữa Israel với Palestine mà còn giữa Israel với Syria và việc Lebanon); rằng cục diện chính trị bất ổn Thái Lan được gỡ rối; rằng Ấn Độ và Pakistan cùng bắt tay chống khủng bố chứ không phải “đụng trán” nhau côm cốp; rằng vấn đề hạt nhân được tháo ngòi; rằng bang giao Nga - phương Tây trở nên nồng ấm. Dưới đây là vài trong số nhiều vấn đề nổi cộm trong năm 2009.
Đối ngoại thời Barack Obama: thoáng hay hẹp?
“Chúng ta sẽ củng cố khả năng để đánh bại kẻ thù và ủng hộ đồng minh. Chúng ta sẽ tái lập các mối quan hệ cũ và khai sinh mối hợp tác mới. Chúng ta sẽ cho thế giới thấy một lần nữa rằng nước Mỹ không bao giờ chùn tay trong việc bảo vệ công dân Mỹ, sẵn sàng tiến lên vì quyền lợi quốc gia và thực thi những lý tưởng sáng chói như chiếc đèn hiệu soi đường cho thế giới.
Dân chủ và công bằng, cơ hội và hy vọng kiên định là những gì nước Mỹ sẽ thể hiện bởi những giá trị Mỹ luôn là “món hàng xuất khẩu” lớn nhất của Mỹ cho thế giới” – đó là phát biểu của Tổng thống tân cử Barack Obama vào ngày 1-12-2008 trong cuộc họp báo ra mắt bộ sậu an ninh quốc gia. Trong bài viết trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs (số tháng 7 và tháng 8-2007), ông Barack Obama, khi đó còn là ứng cử viên tổng thống, cũng đề cập đến việc rút quân Mỹ khỏi Iraq và cùng lúc củng cố sức mạnh quân sự Mỹ với việc bổ sung 65.000 lính cho lực lượng bộ binh và 27.000 lính cho thủy quân lục chiến đồng thời trang bị cho họ “những phương tiện tốt nhất”...

Nhiều kỳ vọng về sự chuyển dịch chính sách ngoại giao Mỹ đang được trông chờ ở Tổng thống tân cử Barack Obama.
Tất cả cho thấy có vẻ như chuyển động trong chính sách đối ngoại của Obama có khuynh hướng theo cánh hữu (bảo thủ). Cần mở ngoặc, trong sinh hoạt chính trị Mỹ, có hai thuật từ thường được nhắc: bảo thủ (conservative) và tự do (liberal). Với phe bảo thủ, chủ trương của họ là bảo vệ nước Mỹ trên tinh thần nước Mỹ là trên hết và điều đó thể hiện ở chính sách ngoại giao cứng rắn.
Với phe tự do, chủ trương ôn hòa là mục tiêu họ hướng đến. Trong nhiều năm, cánh Cộng hòa mặc nhiên được nhìn nhận như những người thuộc phái bảo thủ trong khi Dân chủ được hiểu là những người đi theo chính kiến tự do (dù cách nhìn nhận này không luôn thật sự chính xác).
Trong thực tế, các tổng thống Dân chủ, từ Franklin D. Roosevelt, John F. Kennedy, Lyndon Johnson, Jimmy Carter đến Bill Clinton, đều có chính sách thiên về cánh hữu (bảo thủ) hơn là thiên tả (tự do), nếu họ muốn tồn tại lâu hơn trong Nhà trắng. Trong thực tế, cá nhân người Mỹ hiện nay cũng theo chính kiến cánh hữu. Thế cho nên, chính sách đối ngoại của Tổng thống tân cử Barack Obama có thể cũng sẽ theo mô hình “mềm nắn rắn buông” như thời cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton (điều này có thể thấy ở việc Obama bổ nhiệm bà Hillary Clinton vào ghế ngoại trưởng), và cũng không loại trừ hình thức “chơi rắn” một khi quyền lợi Mỹ bị đe dọa.
Dù thế nào, việc trước mắt của Tổng thống tân cử Obama vẫn là rút quân Mỹ khỏi Iraq như cam kết và bình ổn cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan – hai di sản chiến tranh khổng lồ của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush. Và dù thế nào, cách tiếp cận vấn đề của Obama chắc chắn cũng sẽ khác Bush, với chiến lược thận trọng, “tế nhị” hơn và mang khuynh hướng “dĩ hòa vi quí” hơn (Obama đã tuyên bố cho đóng cửa nhà tù tai tiếng Guantánamo vào cuối năm 2009).
Nghị sự hạt nhân được tháo gỡ như thế nào?
Cách giải quyết vấn đề hạt nhân khả dĩ nhất có lẽ là đàm phán. Cục diện chính trị Iran có thể thay đổi trong năm 2009 (bầu cử tổng thống) có thể sẽ giúp khai thông vấn đề đàm phán hạt nhân giữa Iran với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, nếu Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad được thay thế.
Dù vậy, đàm phán hạt nhân sẽ luôn khó khăn bởi vướng mắc liên quan quyền được sở hữu vũ khí hạt nhân, khi Iran hoặc CHDCND Triều Tiên bị ép buộc từ bỏ chương trình hạt nhân hóa quân sự trong khi các cường quốc hạt nhân khác lại mặc nhiên được có quyền này. Đó là một trong những lý do khiến nhiều ý kiến, trong đó có hai cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và George Shultz, cho rằng các bên nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn khi đề cập đến một thế giới phi hạt nhân quân sự, bắt đầu bằng việc “tự giác” cắt mạnh kho vũ khí hạt nhân Mỹ và Nga.
Dù thế nào, cũng cứ nên kỳ vọng về một sự khai thông trong vấn đề giải giáp hạt nhân. Tổng thống tân cử Barack Obama từng nhấn mạnh đến khả năng “không nên ngần ngại đàm phán trực tiếp với Teheran”.
Những lá phiếu nào đáng chú ý trong năm 2009?
Ngoài cuộc bầu cử Ấn Độ, tại khu vực châu Á, lá phiếu được quan tâm nhiều trong năm 2009 sẽ là cuộc bầu cử tại Nhật. Ichiro Ozawa – vốn là chánh thư ký đảng (đương quyền) Dân chủ Tự do (LDP) nhưng sau đó “đào tẩu” sang đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản (DPJ) – từng tuyên bố hạ gục LDP dù việc đó mất bao lâu thời gian. Và thời điểm chín mùi đó sẽ đến trong cuộc bầu cử trong năm 2009, ở bối cảnh LDP của Thủ tướng đương nhiệm Taro Aso đang rối như tơ vò.
Cần nhắc lại, LDP là đảng chính trị lớn nhất Nhật, từng lãnh đạo Nhật gần như suốt từ khi thành lập năm 1955 đến nay. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử 2007, LDP bị đánh bại và mất đa số ghế trong Thượng viện lần đầu tiên trong lịch sử khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải từ chức và được thay bằng Yasuo Fukuda rồi tiếp tục được thay bằng Taro Aso…
Tại khu vực Mỹ Latin, lá phiếu đáng chú ý nhất là cuộc bầu cử Chile với khả năng liên minh trung tả Concertación có thể mất quyền. Một số nước khác tại khu vực này cũng sẽ bầu tổng thống trong năm 2009. Tại Uruguay, đảng đương quyền Mặt trận mở rộng có thể chiến thắng nhiệm kỳ hai; tương tự đảng Cách mạng Dân chủ đương quyền ở Panama...
Kinh tế châu Á tiến tới hay thụt lùi?
Bất luận tình hình kinh tế thế giới đang chồng chất khó khăn, tờ The Economist (Anh) vẫn dự báo kinh tế châu Á tiếp tục phát triển dù tỷ lệ tăng trưởng có giảm. Ngay cả khi thị trường Mỹ và châu Âu có khép lại đi chăng nữa bởi ảnh hưởng từ cú sốc suy thoái toàn cầu, châu Á vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, bởi cả Mỹ và Tây Âu chỉ chiếm không đến 30% tổng xuất khẩu châu Á.
Hơn ½ hàng xuất khẩu của Trung Quốc là đến các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy, nơi nhu cầu vẫn còn mạnh. Tiêu dùng và đầu tư hạ tầng tiếp tục bùng nổ sẽ giúp bù lại thất thoát từ xuất khẩu giảm. Riêng Trung Quốc, doanh số bán lẻ nước này có thể tăng 15% trong năm 2009. Tất nhiên tỷ lệ tăng trưởng toàn châu Á sẽ giảm với GDP tăng trung bình dưới 7% nhưng đó là con số không đến nỗi bi quan. Tỷ lệ lạm phát tại châu Á giữa năm 2008 là 8% (so với trung bình 2,8% kể từ năm 2000) nhưng lạm phát châu Á sẽ giảm trong năm 2009 nhờ giá dầu giảm (giúp giá lương thực và năng lượng ổn định).
Ý thức môi trường sẽ tốt hơn?
Từ Thủ tướng Anh Gordon Brown, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến ứng cử viên tổng thống Mỹ Barack Obama đều nhất loạt ủng hộ lời hiệu triệu từ Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vào trung tuần tháng 10-2008 trong việc tìm đến “Giải pháp xanh”, một giải pháp có thể giúp tái thiết và định hình lại kinh tế thế giới.
Tổng thống tân cử Barack Obama đã cụ thể hơn với việc “đầu tư một cách chiến lược 150 tỷ USD trong 10 năm” cho một nền “kinh tế năng lượng sạch”, “giúp khu vực kinh tế tư nhân tạo ra năm triệu việc làm mới liên quan công nghiệp xanh”... Hầu như tất cả công ty lớn đều đang xem vấn đề môi trường là một phần quan trọng có tính sống còn trong chính sách kinh doanh. Tập đoàn Unilever (trị giá 52 tỷ USD) hiện là một trong những công ty đa quốc gia thực hiện tốt “chính sách xanh”.
Trong khi đó, Philips Electronics đưa loạt trạm y tế di động đến các vùng quê; tung ra kỹ thuật lọc nước giá rẻ cũng như loại bếp đun củi không khói giúp giảm thiểu 1,6 triệu ca tử vong khắp thế giới bởi bệnh phổi liên quan khói bếp. Ý thức xanh thậm chí len vào Wall Street. Nhiều tập đoàn tài chính-ngân hàng khổng lồ Mỹ, từ Goldman Sachs, Citi Group, J.P. Morgan đến Merrill Lynch, đều đang quan tâm đặc biệt những dự án liên quan bảo vệ môi trường. Nhiều dự án của họ được thai nghén trong năm 2008 bắt đầu được triển khai năm 2009.
Lê Thảo Chi