Toàn cầu hóa đang thoái trào?

Cây bút kỳ cựu tờ New York Times - Thomas L.Friedman, tác giả của hai cuốn sách Chiếc lexus và cây olive và Thế giới phẳng từng mô tả toàn cầu hóa như một “làn gió của sự đổi mới”, đem lại diện mạo và sinh khí cho nhiều quốc gia. Nhưng những thách thức mà cuộc khủng hoảng tài chính mang đến đang khiến nhiều quốc gia nghi ngờ: Phải chăng đó là do toàn cầu hóa? Và người ta bắt đầu nhìn lại.

Không phải ngẫu nhiên hàng năm người dân các nước phát triển đều tổ chức biểu tình rầm rộ phản đối toàn cầu hóa trước trụ sở WTO hay tại nơi diễn ra các hội nghị của WTO và IMF hoặc G8. Họ thấy rằng toàn cầu hóa đã khiến hàng hóa các nước tràn ngập thị trường của mình và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do các nhà máy của chính họ bị đóng cửa. Suy nghĩ đó đang hiện diện trong Liên minh châu Âu, liên minh được xem là tiên phong trong toàn cầu hóa.

Dù hiện nay EU đã xóa tan nỗi lo kết thúc số phận đồng euro, nhưng sự chia rẽ trong eurozone về kinh tế lẫn chính trị đang là vấn đề có thật. Việc các thành viên EU tranh cãi sáng kiến thiết lập cơ chế giám sát ngân hàng chung của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, việc thảo luận về vấn đề ngân sách của khối phải dời sang năm 2013 cho thấy, các quốc gia không sẵn sàng hy sinh chủ quyền quốc gia của mình để hội nhập toàn diện.

Về mặt chính trị, các lực lượng chính trị truyền thống hô hào hội nhập giờ đây cảm nhận mình bị bao vây bởi những người theo chủ nghĩa dân túy. Rõ nét nhất là trong cuộc bầu cử Hy Lạp tháng 6 vừa qua, những người muốn ly khai khỏi eurozone và không chấp nhận những điều kiện thắt lưng buộc bụng cũng đã làm mưa làm gió. Làn sóng đó đang lan truyền sang Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan.

Thái độ của các nước châu Âu cũng đang khiến nhiều khu vực bắt đầu dừng lại để nhìn toàn cầu hóa thay vì lao theo nó như lo sợ bị tụt hậu. Thổ Nhĩ Kỳ, nước từng chờ đợi gần 20 năm để vào EU, giờ dường như không còn hứng thú nữa với EU và đang xây dựng hình ảnh một đất nước độc lập có ảnh hưởng trong khu vực. Trung Đông, đặc biệt trong thời gian hậu Mùa xuân Arập đang chia rẽ nghiêm trọng bởi mỗi quốc gia đang chọn con đường có lợi nhất cho mình.

Sự thất bại của vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại - một biểu tượng mạnh mẽ của thời buổi toàn cầu hóa - đang khiến nhiều quốc gia phát triển lẫn đang phát triển “phòng thủ” bằng nhiều chính sách bảo hộ mậu dịch.

Phân tích tình hình châu Á, tác giả Mark Leonard đánh giá khu vực này đã có nhiều thay đổi trong 15 năm qua, tăng cường mậu dịch nội khối, phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, sự bứt phá của Trung Quốc trong cuộc đua kinh tế đã khiến nhiều quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Phillippines, Hàn Quốc lo lắng.

Bên cạnh đó là căng thẳng về chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước khiến cục diện chính trị châu Á càng phức tạp. Trong bối cảnh đó, Mỹ cũng phải tăng tốc để bảo vệ quyền lợi của mình với các đối tác trong khu vực châu Á.

Bản thân nước Mỹ, đầu tàu kinh tế thế giới đang băn khoăn việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, hay thu về trong nước để tạo việc làm cho chính người Mỹ trước khi mang lại việc làm cho người dân ở nước khác. Thời điểm này, không nước nào có thể ưu tiên toàn cầu hóa mà không nghĩ đến việc được và mất gì. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục