Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển TPHCM là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân

Hôm qua, 6-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để cho ý kiến về Đề án tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX, ban hành ngày 18-11-2002) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát triển TPHCM là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân

Hôm qua, 6-7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM để cho ý kiến về Đề án tổng kết Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX, ban hành ngày 18-11-2002) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010.

Đã đạt được những thành tựu to lớn

Báo cáo do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày nêu rõ: 10 năm qua, thực tiễn chứng minh Nghị quyết 20 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố, góp phần giải quyết thể chế, tạo động lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố với những quan điểm của Bộ Chính trị về vị trí trung tâm nhiều mặt, về vai trò, trách nhiệm của thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”.

Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TPHCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Với quy mô dân số năm 2011 là 7,5 triệu người, GDP bình quân đầu người của thành phố đạt 3.286 USD, bằng 2,94 lần năm 2002.

“Tuy chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,56% dân số cả nước nhưng TPHCM đã đóng góp 21,3% GDP cả nước; 29,38% tổng thu ngân sách nhà nước; 22,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58,33% lượng khách du lịch quốc tế và 43,72% doanh thu du lịch cả nước; 27,9% kim ngạch xuất khẩu; 26% kim ngạch nhập khẩu; 22,4% giá trị gia tăng ngành công nghiệp; mức thu nhập bình quân của người dân thành phố năm 2011 bằng 2,4 lần so với bình quân đầu người cả nước”, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp

Về phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2020, báo cáo khẳng định: Thành phố sẽ phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học, công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; phấn đấu tổng sản phẩm nội địa GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12%/năm, GDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, thành phố sẽ tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện chủ trương xã hội hóa để phát triển các lĩnh vực GD-ĐT, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, đạt được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ4...

Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2020, Thành ủy TPHCM có 7 kiến nghị, trong đó kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020; cho phép thành phố xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP theo hướng các sở chuyên ngành được giao trách nhiệm toàn diện và xuyên suốt về lĩnh vực thuộc thẩm quyền trên địa bàn thành phố; tổ chức mô hình “chuỗi đô thị” với nhiều đô thị vệ tinh trong một đô thị lớn; cho phép phân cấp nhiều hơn một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng tính tự chủ về ngân sách, về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, về tổ chức nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính...

Hệ thống giao thông liên hoàn tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Hệ thống giao thông liên hoàn tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

 
Khắc phục tồn tại để tiếp tục phát triển

Tuy nhiên, theo đồng chí Lê Thanh Hải, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20 vẫn còn những tồn tại yếu kém. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí và vai trò của TPHCM; cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng vốn đã yếu kém, ngày càng quá tải, bất cập, gây nhiều bức xúc cho nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân; quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển và còn nhiều yếu kém...

Kết quả công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn hạn chế, yếu kém; hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa cao, tính chiến đấu, sức thuyết phục còn hạn chế, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu; một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, giảm sút ý chí chiến đấu, mất niềm tin...

Tại cuộc làm việc, các đồng chí trong Bộ Chính trị và những bộ ngành liên quan đã thống nhất cao với báo cáo của Thành ủy TPHCM về những thành tựu đã đạt được cũng như những mặt tồn tại, yếu kém. Đặc biệt, Bộ Chính trị ủng hộ cao những kiến nghị do TPHCM đưa ra, trong đó nhấn mạnh tính cấp thiết cần phải ban hành một nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020.

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, TPHCM có vai trò, vị trí rất lớn, quan trọng của đất nước trên mọi mặt. Không chỉ vậy, TPHCM còn là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa; không chỉ đóng góp rất lớn về vật chất mà còn đóng góp về tinh thần và kinh nghiệm đổi mới, phát triển đối với cả nước. Tổng Bí thư cho rằng, thời gian tới, TPHCM cần tập trung phát triển toàn diện, chú trọng những ngành mũi nhọn, lợi thế của mình bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự, an ninh xã hội; đặc biệt cần áp dụng những bài học kinh nghiệm sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 để khắc phục những tồn tại, hạn chế để đưa TPHCM phát triển một cách bền vững, toàn diện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Hệ thống hạ tầng giao thông tại TPHCM đã được đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua. Ảnh: C.THĂNG

Hệ thống hạ tầng giao thông tại TPHCM đã được đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua. Ảnh: C.THĂNG

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Xây dựng, phát triển, bảo vệ TPHCM không chỉ là việc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM mà còn là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương. Tổng Bí thư cơ bản ủng hộ các kiến nghị của TPHCM, trong đó việc xây dựng Bộ tiêu chí thành phố cần xác định rõ tính chất, các nội dung công việc cần làm, gắn phát triển kinh tế với văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, xây dựng TPHCM vừa dân tộc vừa hiện đại.

Trần Lưu - T.T.X

Tin cùng chuyên mục