TP Hồ Chí Minh dự trữ hàng thiết yếu quanh năm

TP Hồ Chí Minh dự trữ hàng thiết yếu quanh năm

Sở Công thương TPHCM vừa lập đề cương chi tiết về chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu phục vụ cung cầu bình ổn thị trường tại TP giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015. Đề án này góp phần chủ động đối phó với việc tăng giá trong một vài nhóm hàng thiết yếu, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối hiện đại, tiện lợi đến tay người tiêu dùng.

  • 8 nhóm mặt hàng thiết yếu
TP Hồ Chí Minh dự trữ hàng thiết yếu quanh năm ảnh 1
Chọn mua thực phẩm chế biến tại Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, DN để hoàn thiện đề án ngày 18-9 vừa qua, Sở Công thương xác định, việc triển khai thành công đề án sẽ mang lại ý nghĩa ở 3 góc độ: về phía người tiêu dùng sẽ có đủ nguồn hàng thiết yếu   với mức giá hợp lý; đối với các DN, sẽ được tạo điều kiện để nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất trực tiếp, đến khâu thu mua và thiết lập hệ thống phân phối.

Quan trọng hơn, đề án này sẽ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Căn cứ diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa thực tế trên địa bàn trong từng thời kỳ, TPHCM đã xác định, có 8 nhóm mặt hàng thiết yếu được đưa vào đề án do TP chủ động điều tiết bao gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu khác do Trung ương quản lý, TPHCM cần phối hợp để đảm bảo cung cầu hàng hóa cho người dân gồm 11 danh mục hàng hóa là xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối, sữa, cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt (loại ghế ngồi cứng) và một số loại thức ăn chăn nuôi gia súc.

Việc xác định được các mặt hàng thiết yếu sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công phương thức tổ chức, tạo nguồn hàng và mạng lưới phân phối. Chủ động kiểm soát được các trường hợp tăng giá đột biến trên địa bàn, nhờ sự tham gia của các DN chủ lực với mức giá cam kết thấp hơn giá thị trường tự do tối thiểu 10% và sự phối hợp đồng bộ, kịp thời.

  • Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt

Theo quan điểm của UBND TPHCM, sẽ không thể thực hiện được việc bình ổn giá nếu không chủ động được nguồn hàng. Vì vậy, để thực hiện được đề án, UBNDTP rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN. Trên cơ sở này, TP sẽ chọn ra các công ty kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đáp ứng được các tiêu chí về năng lực sản xuất, phân phối hàng hóa, xây dựng phương án chăn nuôi, thu mua, sản xuất và chế biến để chủ động cung ứng cho người dân TP với giá bình ổn.

Các DN này sẽ được TP hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% trong 6 tháng (kể từ ngày giải ngân) để tổ chức sản xuất, thu mua, dự trữ hàng hóa, dựa trên nguyên tắc dự trữ thường xuyên trong năm đối với tất cả các mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn của TP. Theo kế hoạch, đề án sẽ hoàn chỉnh và báo cáo trước Thường trực UBND TP vào tháng 10-2008

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục