TPHCM kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm

Chiều 26-10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu (ĐB) thảo luận trực tuyến tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Nội dung cốt lõi của dự thảo Nghị quyết là việc không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM.

Từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, ĐB Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khóa X, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, phát biểu nhấn mạnh, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp TPHCM ra quyết định nhanh hơn, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường.

TPHCM kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM có đặc điểm diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm 9% nhưng đóng góp 22% kinh tế của cả nước, nên áp lực quản lý rất lớn với nhiều công việc. TPHCM hiện có 5 quận có dân số từ 500.000-800.000 người, số đầu việc phát sinh hàng ngày rất lớn. Về kinh tế, TPHCM tạo ra giá trị kinh tế bình quân tính trên 1km2 gấp khoảng 40 lần mức trung bình trên 1km2 của cả nước. Mật độ dân số cao, cường độ hoạt động kinh tế lớn làm phát sinh những vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Và việc chậm trễ của chính quyền các cấp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho người dân. “TPHCM kiến nghị được tổ chức chính quyền đô thị mà không cần thí điểm. Việc này luật đã cho phép, vậy TPHCM có làm được hay không?” – ĐB Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề và khẳng định “TPHCM có thể làm được”.
TPHCM kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm ảnh 2 Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí lãnh đạo TP dự kỳ họp Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, trước hết, TPHCM đã có hơn 6 năm (2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả 24 quận, huyện, 259 phường. 6 năm thí điểm đã cho kết quả tốt.

Về những băn khoăn khi không tổ chức HĐND quận, phường thì có đảm bảo dân chủ không, ĐB Nguyễn Thiện Nhân thông tin, so với 10 năm trước, ngoài cơ chế giám sát của HĐND, Đại biểu Quốc hội thì hiện nay TPHCM có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát của nhân dân.

Đó là các quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng triển khai từ năm 2013: Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; Quyết định 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Bên cạnh đó, từ tháng 12-2017, TPHCM có Quy định số 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định này yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân qua các kênh báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo… Sau 33 tháng thực hiện, TPHCM đã tiếp nhận gần 8.000 ý kiến của người dân và giải quyết kịp thời 96%. Qua đó, TPHCM đã xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm (trung bình mỗi tháng TPHCM xử lý 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức).
TPHCM kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm ảnh 3 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM kiến nghị tổ chức chính quyền đô thị không qua thí điểm ảnh 4 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện đô thị thông minh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Qua các kênh điện thoại, email, mỗi tháng các quận, huyện tiếp nhận, xử lý hàng ngàn tin báo từ người dân.

Hàng năm, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của các cơ quan gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền cùng kiểm tra của Đảng. Sự đồng bộ hóa này giúp cho việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ. “Thực tế là dân chủ không bị hạn chế mà còn thêm 4 cơ chế để phát huy”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, thành phố đang thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết này phân cấp cho TPHCM quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện ngân sách… Do vậy, TPHCM sẽ không vướng về cơ chế tài chính khi tổ chức chính quyền đô thị. Và thực tế vừa qua, UBND TPHCM ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM; Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM. Qua đó, việc ra quyết định cũng nhanh chóng, kịp thời hơn.

Về tên gọi khi thực hiện đề án chính quyền đô thị, một số ý kiến cho rằng nên đổi thành “Ủy ban hành chính”. ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cách đây 2 năm khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng đã thống nhất nơi nào không có HĐND thì vẫn gọi là UBND. Do vậy TPHCM cũng đề xuất tên gọi là UBND để đồng bộ, sau này khi 3 địa phương sơ kết thực hiện Nghị quyết sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.

Cuối cùng, ĐB Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện chính quyền đô thị không “thí điểm”, nhưng trách nhiệm của TPHCM sau 3 năm thực hiện vẫn sơ kết, sau 5 năm sẽ tổng kết, nếu có nội dung chưa phù hợp thì kiến nghị Quốc hội sửa đổi.

Nội dung tờ trình này của Chính phủ sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận vào giữa tháng 11-2020.

Tin cùng chuyên mục