Đến dự hội nghị có Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. Đồng chí Ngô Đức Thắng, Cục trưởng cục Cơ yếu Đảng, chính quyền, Ban cơ yếu chính phủ là báo cáo viên hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm nhấn mạnh, Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương, giải pháp đột phá nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nhà nước; xây dựng ngành cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Đồng thời, nhấn mạnh việc bảo mật, an toàn thông tin là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt.
Để triển khai Nghị quyết 56 tại TPHCM, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm cho rằng, TPHCM cần tập trung 2 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng cơ yếu để thành phố có đủ đội ngũ cán bộ cơ yếu có phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đủ năng lực tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, an toàn thông tin cho mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành. Nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu biết về bảo vệ bí mật nhà nước, an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp của TPHCM.
TPHCM cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng cơ yếu tham mưu, đề xuất, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (trực tiếp là Cục Cơ yếu Đảng – Chính quyền) để triển khai các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin cho các lĩnh vực của thành phố trên các mạng, hệ thống công nghệ thông tin – viễn thông. Qua đó nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, phát triển chính quyền thông minh, thành phố thông minh.
Trước đó, báo cáo về Nghị quyết 56, đồng chí Ngô Đức Thắng cho biết, đây là nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành đầu tiên trong năm 2020. Là nghị quyết rất quan trọng, định hướng những vấn đề chiến lược để xây dựng và phát triển ngành cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.
Nghị quyết 56 xác định mục tiêu chung là xây dựng ngành cơ yếu cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại; lực lượng cơ yếu tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; có nền khoa học - công nghệ mật mã tiên tiến, đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết 56 xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với hoạt động cơ yếu (con người, tổ chức, cơ chế chính sách); xây dựng lực lượng cơ yếu cách mạng chính quy, tiến thẳng lên hiện đại, đúng với tính chất, nhiệm vụ của ngành khoa học – kỹ thuật cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, triển khai sản phẩm mật mã và công tác bảo đảm, hỗ trợ kỹ thuật.
Phát triển khoa học – công nghệ mật mã Việt Nam tiên tiến, hiện đại; tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ phục vụ nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mật mã.
Song song đó, ngành cơ yếu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia đồng bộ với hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải thông tin, ngay khi có Nghị quyết 56 của Bộ Chính trị, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chương trình hành động số 15 với 3 nội dung lớn để thực hiện Nghị quyết 56. Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghỊ. Ảnh: THU HƯỜNG Cụ thể, Thành ủy TPHCM yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cơ yếu. |