Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 16 về phát triển TPHCM đến năm 2020, Bộ Chính trị đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho TPHCM phát triển. Trong đó, Bộ Tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các cơ chế chính sách tài chính - ngân sách mang tính đặc thù để hỗ trợ TPHCM phát triển.
° Phóng viên: Nghị quyết 16 có nêu việc xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đối với nguồn thu có sự phân chia giữa trung ương và thành phố, thực hiện từ năm 2015; trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết, hàng năm, xem xét tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu và tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn; đồng thời ưu tiên các nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển giao thông đã được Chính phủ phê duyệt... Đề nghị thứ trưởng cho biết quan điểm cụ thể vấn đề này?
° Thứ trưởng NGUYỄN CÔNG NGHIỆP: Tôi cho rằng, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị không chỉ quan trọng đối với sự phát triển TPHCM đến năm 2020 mà còn là động lực, có tính lan tỏa cho sự phát triển của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TPHCM xác định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố đảm bảo yêu cầu thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời cân đối hài hòa giữa các địa phương trong cả nước.
Việc tăng nguồn lực tài chính từ trung ương cho thành phố đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Cụ thể, từ năm 2007 đến năm 2012, ngân sách trung ương (NSTƯ) đã thưởng vượt thu từ các khoản thu phân chia giữa NSTƯ với ngân sách thành phố và đầu tư trở lại cho thành phố từ nguồn tăng NSTƯ 100% phát sinh trên địa bàn thành phố là 7.564 tỷ đồng.
Đồng thời, trung ương đã ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay ODA cho thành phố chủ yếu theo hình thức NSTƯ cấp phát cho ngân sách thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường như: Dự án đại lộ Đông Tây khoảng 800 triệu USD, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên 2.275 triệu USD, dự án cải thiện môi trường nước 500 triệu USD…
Trong những năm tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng nguồn lực tài chính cho thành phố để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, xử lý chống ngập úng, bảo vệ môi trường.
° TPHCM đã nhiều lần kiến nghị phân cấp nhiều hơn trong quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho thành phố về ngân sách, quyết định một số khoản thu, chi… Bộ Tài chính sẽ có hướng xử lý ra sao với kiến nghị này?
° Một trong những quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và đã được thể hiện trong quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) là NSNN phải được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên được thực hiện một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù.
Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, phối hợp Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và UBND TPHCM nghiên cứu tăng cường phân cấp, tự chủ cho thành phố, gắn với định hướng phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
° Một số chuyên gia cho rằng, để thu hút nhân lực chất lượng cao trong bộ máy thì cần tăng thẩm quyền của UBND TPHCM trong chế độ chi về tiền lương, tiền công, phụ cấp? Đề nghị thứ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?
° Việc quy định chế độ tiền lương, tiền công, phụ cấp của cán bộ, công chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ. Theo quy định hiện hành thì chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức nhà nước được thống nhất thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204 của Chính phủ; Quyết định số 128 của Ban Bí thư. Theo quy định tại các văn bản này thì tiền lương của cán bộ, công chức được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước, không phân biệt giữa các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo đặc thù công việc có quy định về chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề, ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, trách nhiệm công việc, phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm; đối với các vùng khó khăn có chế độ phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực.
Để tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính được giao, chủ động trong việc sử dụng nguồn lực, khuyến khích phân phối thu nhập gắn với chất lượng, hiệu quả công việc, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130, quy định việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính đối với các các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước được chủ động sử dụng kinh phí quản lý hành chính được giao để thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí giao tự chủ khi thực hiện tiết kiệm được, cơ quan được sử dụng để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức tối đa không quá 1 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định. Các cơ quan phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản, quy chế chi trả thu nhập tăng thêm theo chất lượng, hiệu quả công việc. Quy định này cũng góp phần tạo quyền chủ động cho cơ quan nhà nước thu hút nhân lực chất lượng cao vào bộ máy quản lý nhà nước.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, thực hiện Nghị định số 130 trong năm 2011, các cơ quan có hệ số tăng thu nhập bình quân từ 0,5 đến dưới 1 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ. Như vậy, cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định 130 của Chính phủ cho phép sử dụng kinh phí tiết kiệm để chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức bước đầu đã gắn việc sử dụng kinh phí với chất lượng và hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy các cơ quan sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan.
Ngoài ra, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và thực hiện đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ”, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 2-2013.
° Xin cảm ơn ông.
NG.QUANG