Tham dự còn có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM. Cùng lãnh đạo các sở, ngành TPHCM. Nội dung cuộc gặp là để thông báo về việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và lắng nghe ý kiến của đoàn lãnh sự.
Mở đầu cuộc gặp, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định năm 2017 mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển của TPHCM. Hòa vào dòng chảy cách mạng công nghiệp lần thứ 4, TPHCM đã công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đề án thể hiện quyết tâm của các cấp chính quyền đưa TPHCM trở thành một đô thị có kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, trong đó người dân được đặt ở vị trí trung tâm.
Bốn trụ cột của Đề án bao gồm: xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng trung tâm điều hành chung; thành lập trung tâm an toàn thông tin; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở.
Song song đó, TPHCM triển khai xây dựng khu đô thị sáng tạo, kết nối quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Khu đô thị sáng tạo này sẽ đóng vai trò hạt nhân trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TPHCM và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên mũi nhọn là các ngành kinh tế tri thức.
Về Nghị quyết số 54 của Quốc hội, cho phép TPHCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 lĩnh vực: quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều nút thắt trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để TPHCM chủ động đưa ra các quyết sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, buổi gặp mặt được tổ chức nhằm cung cấp đến các cơ quan đại diện nước ngoài tại TPHCM cái nhìn tổng thể kế hoạch triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội, cũng như những thông tin cập nhật về tình hình thực hiện Đề án Xây dựng đô thị thông minh của TPHCM.
Đánh giá cao sự hiện diện của đông đảo Tổng Lãnh sự các nước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Điều này cho thấy sự quan tâm, mong muốn cùng đồng hành và sự tin tưởng của bạn bè quốc tế vào tiềm năng phát triển của TPHCM”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn, cuộc gặp gỡ không chỉ là buổi cung cấp thông tin một chiều từ phía TPHCM mà đại diện các cơ quan lãnh sự sẽ cùng tham gia, đóng góp các ý kiến hợp tác, hỗ trợ TPHCM xây dựng mô hình đô thị thông minh kiểu mẫu cho các nước.
Đại diện đoàn lãnh sự, bà Leow Siu Lin cảm ơn chính quyền TPHCM đã mời đoàn lãnh sự tham dự cuộc gặp gỡ này. Bà Leow Siu Lin cho rằng, TPHCM là TP năng động nhất nước, Nghị quyết 54 mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho TPHCM với chính sách đặc thù. Bà đánh giá cao chiến lược phát triển TP thông minh hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững và nền kinh tế tri thức. Điều này rất quan trọng vì TPHCM là điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư.
Bà Leow Siu Lin khẳng định, đoàn lãnh sự làm hết sức mình để góp phần vào sự phát triển của TPHCM, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 54.
Đồng chí Lê Thanh Liêm đã giới thiệu với đoàn lãnh sự Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tại buổi gặp, đại diện Tổng Lãnh sự Pháp Vincent Floreani đặt câu hỏi cơ chế đặc thù cho một thành phố có phải là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hay không? Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có cơ chế này, tạo điều kiện cho sự phát triển ngày càng bền vững của TPHCM, đóng góp cho kinh tế Việt Nam.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, nếu như giai đoạn 2006-2010, GDP của TPHCM tăng trưởng trên 10%, đến giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng GDP bình quân 9,6% nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, bình quân 8%, ảnh hưởng đến kinh tế cả nước vì 1% tăng trưởng GDP của TPHCM góp phần vào tăng trưởng 0,25% của Việt Nam. Nguyên nhân là do thách thức về cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu, bên cạnh đó là do gia tăng dân số nhanh, hạ tầng không đáp ứng kịp. Vì vậy, lãnh đạo TPHCM đã đề xuất với Bộ Chính trị tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế TPHCM tăng trưởng theo hướng bền vững. “Đó là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo TPHCM. Nghị quyết 54 được đệ trình và phê chuẩn chỉ trong 1 kỳ họp của Quốc hội”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói.
Trả lời câu hỏi của Tổng Lãnh sự Italia Dante Brandi rằng việc TPHCM xây dựng cơ chế đặc thù có học tập mô hình nào của châu Á hay trên thế giới hay không, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng việc xây dựng đề án tạo cơ chế đặc thù cho TPHCM xuất phát từ thực tiễn và thách thức thực tế. Còn học tập mô hình cụ thể của TP nào thì chưa. Nhưng lãnh đạo TPHCM có nghiên cứu chung về trình độ phát triển và các giai đoạn phát triển của các thành phố trong khu vực trước khi đề ra cơ chế đặc thù cho TPHCM.
Tổng Lãnh sự Australia Karen Lanyon đặt câu hỏi làm thế nào chuyển đổi các thỏa thuận hợp tác của 2 chính phủ sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Australia vừa qua trong việc phát triển TPHCM? Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định Việt Nam và Australia vừa xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Australia, trong thời gian vừa qua, giữa TPHCM và các địa phương của Australia cũng đã có những bước hợp tác quan trọng và sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM và các địa phương Australia sẽ có thêm nhiều điều kiện phát triển hơn vì tiềm năng hợp tác hai bên rất lớn.
Tổng Lãnh sự Thụy Sỹ Othmar Hardegger đặt câu hỏi rằng Nghị quyết 54 cung cấp cho TPHCM nhiều cơ chế quan trọng như cơ sở hạ tầng; TPHCM cần nguồn quỹ nào, hỗ trợ nào để huy động vốn? Theo Sở Tài chính TPHCM, Nghị quyết 54 cho phép TPHCM vay các khoản vay với mức dư nợ lên đến 90% số thu ngân sách so với 60% của các địa phương khác. Ngoài ra, việc huy động vốn ODA phải thông qua mức trần của TPHCM và trần của Trung ương, do Bộ Tài chính quyết định. TPHCM còn sử dụng vốn vay đối ứng.
Trả lời câu hỏi của Tổng Lãnh sự Thái Lan Ureerat Ratanaprukse liên quan đến khung thời gian thực hiện Nghị quyết 54, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian thực hiện nghị quyết mang tính thí điểm này là 5 năm, từ đây đến năm 2020 sẽ có sơ kết thực hiện, đến năm 2022 khi đó sẽ có báo cáo trước Quốc hội về kết quả triển khai và Quốc hội sẽ cho ý kiến. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 54 vừa là động lực, vừa là thách thức.
Tổng Lãnh sự New Zealand Karlene Davis bày tỏ niềm vui vì kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand đồng thời mong muốn triển khai các chương trình hỗ trợ TPHCM về khởi nghiệp, chống biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai. New Zealand cũng muốn giới thiệu về quy trình an toàn thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn.
Câu hỏi của bà Davis là: Để thu hút được đầu tư thông qua đấu thầu, trong Nghị quyết 54 này có thay đổi gì về việc tham gia đấu thầu của các đối tác nước ngoài? Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết mọi dự án kêu gọi đầu tư được thông qua hình thức đấu thầu công khai, minh bạch. Dự án do ngân sách nhà nước tiến hành theo quy định. Tùy theo dự án thuộc lĩnh vực nào thì giám đốc sở sẽ chủ trì thực hiện dự án. Hiện nay, các vấn đề biến đổi khí hậu, TPHCM đã hợp tác với Hà Lan và mong nhận được sự hỗ trợ của New Zeland. Vấn đề an toàn thực phẩm, TPHCM cũng mong muốn hợp tác với New Zeland.
Các tổng lãnh sự cũng bày tỏ quan tâm về nhiều dự án như xây dựng đô thị thông minh đang được triển khai và các dự án môi trường, thoát nước, xử lý rác, cơ sở hạ tầng sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới tại TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 54.
Sau gần 2 giờ làm việc, thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Thành Phong trân trọng cảm ơn sự tham gia góp ý và đặt câu hỏi của đoàn lãnh sự. Đồng chí Nguyễn Thành Phong ghi nhận những ý kiến mới và hy vọng các vị Tổng Lãnh sự nắm được những ưu tiên và định hình những hướng hợp tác sắp tới giữa các nước với TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong mong muốn các Tổng Lãnh sự đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp các nước và TPHCM, đóng góp cụ thể vào hội nghị đầu tư sắp tới tại TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cam kết lãnh đạo TPHCM tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, luôn lắng nghe và giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, sớm đưa TPHCM thành đô thị thông minh kiểu mẫu cho cả nước.