Trí thức Việt kiều - Nguồn lực còn bỏ ngỏ

Chỉ riêng tại các nước G7 và G20, đã có không dưới 150.000 người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu. Trong tổng số khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, một tỷ lệ rất lớn - hơn 10% (hơn 400.000 người) là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức, người có trình độ cao. Thế nhưng, lại có rất ít trí thức Việt kiều về nước làm việc.
Trí thức Việt kiều - Nguồn lực còn bỏ ngỏ

Chỉ riêng tại các nước G7 và G20, đã có không dưới 150.000 người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu. Trong tổng số khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, một tỷ lệ rất lớn - hơn 10% (hơn 400.000 người) là các doanh nhân, chuyên gia, trí thức, người có trình độ cao. Thế nhưng, lại có rất ít trí thức Việt kiều về nước làm việc.

Khiêm tốn so với tiềm năng

Theo Tiến sĩ Khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cuộc giành giật nhân tài đang rất gay gắt, nơi nào có được nhân tài là có được lợi thế cạnh tranh. Đội ngũ trí thức kiều bào rất đông đảo nhưng Việt Nam lại chưa phát huy được, mỗi năm chỉ có khoảng 200-300 người về nước lập dự án hoặc làm việc, quá ít so với tiềm năng nguồn lực kiều bào. Với nhà khoa học chân chính, ba yếu tố môi trường cống hiến, đãi ngộ và tôn vinh là điều quan trọng. TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng cả ba yếu tố này ở Việt Nam đều chưa đủ sức hấp dẫn.

TS Nguyễn Quốc Bình là người đã góp công cùng TPHCM xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP và là Việt kiều đầu tiên được TPHCM bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong cơ quan nhà nước - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Nay ông đã nghỉ hưu và làm cố vấn khoa học cho trung tâm. TS Nguyễn Quốc Bình đánh giá, những người về nước, trụ lại hơn 10 năm và thành công như mình không nhiều; đặc biệt rất hiếm Việt kiều về làm việc trong cơ quan hành chính, bộ máy nhà nước. Ông nhìn nhận bản thân mình may mắn, có cơ duyên gặp các lãnh đạo TP có quyết tâm nên cùng phối hợp, bắt tay thực hiện dự án khá lớn (vốn đầu tư có thể lên đến 100 triệu USD), trong khi đa số các trí thức kiều bào khác phải tự mày mò, không rõ trong nước đang cần gì cụ thể để cống hiến.

Trẻ em TPHCM vui đùa trong vườn chơi sáng tạo - khu vườn gồm các đồ chơi dân gian, đồ chơi tự làm do TS Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) tạo dựng

Theo TS Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cách vận động kiều bào còn hết sức lãng phí. Nhiều nhóm chuyên gia ở các lĩnh vực đã được hình thành nhưng nếu không có sự kết nối, định hướng ở trong nước thì không biết làm gì. Nhiều anh em cố gắng, muốn làm, muốn trao đổi nhưng không biết thông tin trong nước, không biết trong nước cần gì? Vừa qua, nhiều kiều bào đã vận động kinh phí để hỗ trợ quê hương phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Song nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ: Việt Nam muốn phát triển như thế nào, quy mô to hay nhỏ, đặt ở vùng miền nào để kiều bào còn lập hồ sơ? Chứ kiều bào lo nhất là lập hồ sơ xong rồi lại không phù hợp với trong nước, rất lãng phí. “Cứ bên trong chờ bên ngoài, bên ngoài chờ bên trong. Tôi thấy rất nhiều tâm huyết của Việt kiều bị lãng phí. Các anh em kiều bào không tiếc công sức, chỉ sợ trong nước không chấp nhận”, TS Lương Bạch Vân cảm thán.

Trong khi đó, nhiều kiều bào trẻ sẵn sàng về nước nhưng do sinh ra ở nước ngoài, chưa từng có quốc tịch Việt Nam, nên không được hưởng chính sách của Nhà nước. Đây là thiệt thòi lớn!

Nên đặt hàng cụ thể

Coi mình là ví dụ hiếm của trí thức kiều bào mà TP nói riêng, cả nước nói chung sử dụng thành công và bản thân mình cũng phải chiến đấu, phải bươn chải nghĩ ra việc để làm trong hơn 10 năm, TS Nguyễn Quốc Bình mong muốn những ví dụ như việc sử dụng ông cần được nhân rộng. Việc sử dụng trí thức kiều bào, vào phần việc nào, nhằm tạo ra giá trị có tầm thế nào đều cần phải định lượng được để chấm dứt so sánh, đố kỵ về lương bổng. “Muốn sử dụng trí thức Việt kiều để tạo ra xúc tác phát triển thì phải có sự chuẩn bị về suy nghĩ. Quan trọng nữa là môi trường làm việc phải năng động - có chương trình, có dự án cụ thể đủ tạo ra cơ hội và cả thách thức - để trí thức Việt kiều chinh phục, khẳng định. Tất nhiên, thách thức về chuyên môn nghiệp vụ chứ không phải là sự đố kỵ phân bì hay phải làm các phần việc từ xin vốn đến xin giấy phép…”, TS Nguyễn Quốc Bình phân tích. Ông ví von nếu dùng xe Mercedes chở đất thì… cũng giống như xe công nông thôi. Khi mình dùng “mẹc”, phải dùng ở tốc độ cao, đường tốt. Khi không có đường tốt thì cũng chẳng nên mua “mẹc” làm gì.

Theo ông Phạm Gia Minh, Phó Tổng thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, thế giới ngày một phẳng, tuy nhiên đó lại là mặt phẳng nghiêng, nhân tài và dòng vốn có xu hướng đổ dồn vào quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi, có môi trường thuận lợi. Ông Phạm Gia Minh cho rằng, Việt Nam cần chú trọng cải cách thể chế như một khâu đột phá. Ví dụ chính sách ưu đãi thu hút chuyên gia ở nước ngoài về nước hoạt động, có nơi có lúc bị tâm lý tiểu nông hẹp hòi cản trở. Vì thế, nên quan tâm đánh giá những tác động ngầm của chính sách, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, để có biện pháp phù hợp.

Về lương bổng, các trí thức kiều bào chia sẻ, nếu về nước đơn thuần để làm việc lấy tiền thì quả thật… không ai về. Tại TPHCM, TP đã linh hoạt có cơ chế trả lương cho Việt kiều có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình cho hay, chương trình đưa ra mức lương như vậy, song thực sự chưa trí thức Việt kiều nào nhận được số tiền như thế, bởi xung quanh còn so sánh đố kỵ. Bản thân ông, mỗi tháng lương khoảng 25 triệu đồng. Ông kể: “Con tôi mới ra trường, cháu làm ở nước ngoài lương 10.000USD/tháng, mà đầu óc nhẹ nhàng, không bị so bì. Giờ bảo cháu về làm 150 triệu đồng/tháng, thì nó có về không, vì còn nhiều yếu tố khác như điều kiện học hành của con cái, y tế, nhà cửa…”.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục