Phải vài tháng nữa Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 mới diễn ra, nhưng ngay từ những ngày nóng bức này, nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương các tỉnh thành phía Nam đã chuẩn bị tinh thần và tiết mục tham gia hội diễn. Một số đơn vị đã chọn được kịch bản và mời đạo diễn. Một số cơ sở địa phương đã lo xong việc đầu tư kinh phí cho đơn vị tham gia hội diễn. Cải lương đã thực sự chuyển động hưởng ứng hội diễn này.
Riêng khu vực kịch nói TPHCM thì Hội Sân khấu TPHCM đã khai mạc 2 trại sáng tác kịch bản về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” tại khu du lịch Xóm Chài – Phan Thiết với 20 tác giả có tác phẩm được chọn tham gia.
Nhà hát kịch TPHCM hiện cũng đang tìm kịch bản phù hợp để đến với hội diễn. Sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng đang “tìm và chọn”. Với một số sân khấu xã hội hóa tuy chưa chính thức công bố về sự tham gia của mình nhưng không phải là không quan tâm. Vấn đề còn lại chỉ là lựa chọn và tập vở để có chất lượng cao nhất. Những tín hiệu trên thật đáng mừng.
Tuy nhiên cũng vẫn còn những tồn tại đã trở thành nếp hằn trong suy nghĩ và hành động có thể đã thành thói quen khó bỏ, sự mòn cũ của một bộ phận quản lý, chỉ đạo nghệ thuật… Đó là cách nghĩ, cách làm có tính chất thực dụng nhất thời, thu vén cho các lợi ích riêng, cục bộ, ít nghĩ đến lợi ích và hiệu quả chung đến ý nghĩa dân sinh của nội dung tác phẩm, của phản ánh đời sống con người và xã hội hiện đại.
Cách nghĩ nhất thời ấy chỉ lo chăm sóc các yếu tố kỷ niệm, lễ lạt, sự an toàn về nội dung. Đề tài ca ngợi, lịch sử thì ưng và chọn còn với các đề tài gai góc thì tránh. Vô hình trung sự lựa chọn thiên vị ấy đã bỏ qua nhiều kịch bản có giá trị đích thực, cách suy nghĩ ấy không thấy hội diễn là nơi gặp gỡ, trao đổi học thuật, kinh nghiệm về nghề giữa các đoàn và các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, giữa các khuynh hướng đạo diễn, sự tìm tòi trong trang trí, những cách phản ánh mới mẻ. Cách nghĩ ấy có mục đích đạt huy chương vàng bạc bằng mọi giá cho đơn vị mình, người của mình để có thành tích báo cáo lãnh đạo, để được tin cậy, được tài trợ…
Với cách suy nghĩ ấy sàn diễn trở thành “đấu trường” ăn thua giữa mạnh và yếu, khôn khéo và khờ khạo. Điều rất đáng lo ngại ấy cần được khắc phục bằng cách thay đổi tư duy càng sớm càng tốt. Nếu không người chịu thiệt thòi vẫn là các nghệ sĩ biểu diễn vì những con người rất nhạy cảm này phải làm nghệ thuật theo một khuôn mẫu, công thức và mòn cũ. Sự trong sáng của họ được đền bù bằng việc làm mang yếu tố vụ lợi…
Cho nên đến với Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm nay hy vọng sẽ có những cái mới, cái khám phá do 5 năm trôi qua đất nước và con người đã có nhiều thay đổi. Nhưng có mới hay không, mới thế nào phải chờ thực tế diễn ra và sự đánh giá của dư luận và nhất là đội ngũ phê bình lý luận. Hội diễn năm nay có ý nghĩa khá đặc biệt là hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sự nỗ lực trong niềm vui này rất lớn, song những ai quan tâm đến tương lai sân khấu nước nhà hẳn sẽ còn băn khoăn, trăn trở cho sự tồn tại quá “bền” của cái cũ, lo ngại với sự lặp lại những việc làm không phù hợp với cái mới, cái hay của ngày hôm nay.
Và để khắc phục những yếu kém, xin mạo muội được nêu vài suy nghĩ chủ quan của người viết: Nên nhanh chóng bỏ dần những cách làm đã quá cũ theo kiểu làm phong trào động viên mọi người tham gia kiểu từng đợt, từng lễ ra quân, chiến dịch… Cần tìm chọn dàn dựng những tác phẩm sao cho khi kết thúc hội diễn vở diễn vẫn tiếp tục cuộc sống của nó trước công chúng, không nên chỉ sau vài suất báo cáo rồi… “trùm mền”. Có như vậy thì kinh phí Nhà nước rót cho mới có hiệu quả – nhất là hiệu quả nghệ thuật.
Hội diễn nên có nhiều hình thức diễn đàn, mở rộng, đón nhận các khuynh hướng nghệ thuật, tìm tòi, sáng tác… Không nên tách rời nội dung và hình thức để đánh giá mà nên coi nội dung và hình thức của tác phẩm có quan hệ hữu cơ với nhau, cái này biểu hiện cái kia và ngược lại. Hội diễn lần này rất cần có lý luận phê bình tham gia. Nên đặc biệt quan tâm tới khu vực đang còn nhiều khó khăn chưa có điều kiện hoạt động thường xuyên. Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động báo chí đưa tin, viết bài, tham gia hội thảo, bàn tròn tọa đàm… Vì thực tế báo chí đang làm cái việc lẽ ra là của phê bình lý luận.
Và cuối cùng hội diễn nên tổ chức hẳn hoi một không gian hội diễn, đặc biệt với sân khấu kịch được tổ chức ở TPHCM. Trong không gian hội diễn ấy, khán giả được hướng dẫn tham gia các hoạt động trong hội diễn, được nói lên quan điểm của người xem, kể cả bình phẩm, đánh giá. Các phương tiện thông tin đại chúng sẽ hỗ trợ.
Mong sao hội diễn thành công và thực sự đổi mới.
NSƯT TRẦN MINH NGỌC