Từ loạt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió trên Báo SGGP: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương xử lý

Ngày 11-11, Văn phòng Thủ tướng đã có Công văn số 7633/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan thông tin về loạt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió đăng trên Báo SGGP.

Nội dung công văn nêu, Báo SGGP ngày 1-11-2022 có phản ánh thông tin: “Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tại nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang đối diện khó khăn vì buộc tiết giảm công suất, sa thải sản lượng điện. Đại diện các doanh nghiệp cho biết, từ năm 2020 trở về trước, các nhà đầu tư căn cứ vào chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để đầu tư mà không nhận được bất kỳ hướng dẫn, cảnh báo, ngăn chặn nào từ cơ quan có thẩm quyền. Theo ông Đào Du Dương, Trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TPHCM, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp làm điện mặt trời mái nhà. Trong đó, khoảng 30% doanh nghiệp chưa kịp được phê duyệt giá FIT, phần lớn đã phải bán thiết bị để trả nợ ngân hàng”. Từ thông tin trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Giao Bộ Công thương nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

Trước đó, từ ngày 1 đến 3-11, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió cùng phản hồi từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM, Tổng Công ty Điện lực miền Nam sau đó. Tính đến ngày 4-11, tại khu vực 13 tỉnh thành phía Nam, ngành điện đang tạm ngưng thanh toán tiền mua điện mặt đời (ĐMT) đối với 2.357 khách hàng. Các dự án ĐMT đầu tư quy mô lớn ở khu vực miền Trung như Nhà máy điện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; một phần công suất Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; hoặc cụm 3 dự án Thiên Tân (tỉnh Ninh Thuận) do Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư với tổng vốn 5.000 tỷ đồng, cho đến thời điểm này không bán được điện.

Về điện gió, hiện nay có tổng cộng 62 dự án có công suất 3.472MW, với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, cũng không bán được điện! Việc không bán được điện khiến chủ đầu tư rất khó khăn, phải trả lãi vay, duy trì bộ máy, duy tu bảo dưỡng… trong khi tuổi thọ của công trình chỉ có 20 năm! Nguyên nhân của việc không bán được điện là các dự án thi công kéo dài, không hoàn thành theo tiến độ để được hưởng giá mua điện ưu đãi (giá FIT) của Chính phủ, đối với ĐMT thời gian hưởng ưu đãi là công trình hoàn thành trước ngày 1-1-2021, điện gió là ngày 1-11-2021. Theo kiến nghị của các chủ đầu tư, việc dự án hoàn thành chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến gián đoạn việc nhập và vận chuyển thiết bị; nhập cảnh của các chuyên gia từ nước ngoài vào Việt Nam để tổ chức thi công công trình. Như vậy, tính đến nay, gần 23 tháng đối với ĐMT và gần 13 tháng đối với điện gió, Bộ Công thương vẫn chưa có giải pháp xử lý tiếp theo để mua điện đối với các công trình chuyển tiếp nói trên, dẫn đến lãng phí rất lớn tiền của người dân, doanh nghiệp!

Tin cùng chuyên mục