“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió - Bài 1: Làm nhỏ… “chết” nhỏ

Hưởng ứng chủ trương khuyến khích của Chính phủ về phát triển điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, từ ven biển, đồng bằng cho đến miền núi, đâu đâu cũng thấy dự án! Nhưng nay, nhiều chủ đầu tư phải ôm nỗi lo nợ nần chồng chất.

Mặc dù ra đời khá lâu, nhưng khoảng 3 năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, loại hình điện gió, điện mặt trời đã “trăm hoa đua nở”, dự án mọc lên khắp cả nước. Đây là xu thế đúng đắn, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), nhưng thực tế đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Mắc cạn” điện mặt trời, điện gió - Bài 1: Làm nhỏ… “chết” nhỏ ảnh 1 Ông Đào Văn Cường (đại diện Công ty TNHH Điện cơ Quang Phát Đồng Nai) dẫn đoàn kiểm tra tiêu chuẩn công trình điện mặt trời mái nhà tại dự án ở Đồng Nai. Ảnh: LẠC PHONG

Phá sản vì không bán được điện

Gần 1 năm nay, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH DV ĐT Minh Phát (Công ty Minh Phát) phải giải nghệ nghề kinh doanh, lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), vì ngành điện thông báo ngưng mua ĐMTMN. Hợp đồng công trình gần nhất mà Công ty Minh Phát thi công là căn nhà phố trong khu nhà ở Vạn Phúc 1, đường số 3, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TPHCM). Chủ nhà yêu cầu công ty lắp đặt 10kWp, tương ứng với sản lượng điện khoảng 1.000kWh/tháng, với số vốn đầu tư 150 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thi công xong công trình, Công ty Minh Phát liên hệ với ngành điện thì nhận được văn bản đề nghị ngưng đấu nối để chờ hướng dẫn. 

“Vì không gắn được loại đồng hồ 2 chiều nên ngành điện không ghi nhận sản lượng điện hòa vào điện lưới, chủ nhà hàng tháng vẫn phải thanh toán tiền điện thay vì được khấu trừ, còn chúng tôi phải tốn phí bảo trì, bảo dưỡng”, ông Nguyễn Thế Vinh cho biết. Kể từ khi ngành điện có văn bản ngưng đấu nối ĐMTMN, các công trình của Công ty Minh Phát đều ngưng trệ. Để có tiền trả lương nhân viên, chi phí vận hành, công ty đã phải bán lỗ vật tư - mà mới đây nhất là bán lô dây cáp điện có giá nhập khẩu 2 tỷ đồng với giá chỉ còn 1 tỷ đồng. 

Theo ông Đào Du Dương, Trưởng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TPHCM, hiện có khoảng 400 doanh nghiệp làm ĐMTMN. Trong đó, khoảng 30% doanh nghiệp chưa kịp được phê duyệt giá FIT, phần lớn đã phải bán thiết bị để trả nợ ngân hàng.
Trên thực tế, để đầu tư 1kWh ĐMTMN, chi phí bỏ ra khoảng 15 triệu đồng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, khi đầu tư xây dựng nhà máy ĐMTMN đã phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng - chiếm tỷ lệ từ 70%-80% tổng mức đầu tư, với lãi suất dao động từ 9,5%-12%/năm.

“Dự án chúng tôi đầu tư 15 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 12 tỷ đồng, hàng tháng phải trả lãi lẫn nợ gốc 300 triệu đồng, chưa kể chi phí vận hành mỗi tháng vài chục triệu đồng, cùng khấu hao thiết bị. Nhưng đến nay, đã qua nhiều tháng chờ đợi hướng dẫn, chính sách mới vẫn không được ban hành... Tình trạng này kéo dài, công ty chúng tôi ngày càng nợ nần chồng chất”, ông N.V.Đ., Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV T.T, cho biết. 

Hưởng ưu đãi cũng “thoi thóp”

Nhiều dự án ĐMTMN kịp hưởng giá FIT (mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cũng rơi vào cảnh khó khăn vì ngành điện liên tục cắt giảm công suất. Bà Đặng Thị Mỹ Lợi, Giám đốc Công ty CP Xây lắp kỹ thuật C.H.K (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết, đã mấy tháng nay rao bán dự án ĐMTMN mà công ty đầu tư tại Nhà máy gạch Thái Tuấn (thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), có diện tích gần 10.000m², nhưng chưa ai mua. Nguyên nhân là do ngân hàng “siết” không cho vay, nên công ty không thể xoay xở số tiền hơn 10 tỷ đồng để đáo hạn. Trong khi đó, lượng điện bán ngày càng giảm, thời gian đầu mỗi tháng được trên 300 triệu đồng nhưng vài tháng sau giảm còn hơn 200 triệu đồng. Hai tháng gần đây, lượng điện giảm hơn phân nửa so với thời gian đầu nên không đủ trả tiền lãi ngân hàng. 

Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Điện cơ Quang Phát Đồng Nai, kể, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 11 tỷ đồng để đầu tư ĐMTMN với công suất gần 1MWp, trong đó vốn vay chiếm 70%, mỗi tháng trả lãi và nợ gốc 120 triệu đồng. Từ tháng 11-2021 đến nay, ngành điện liên tục thông báo cắt giảm công suất,  làm mất nguồn thu tương ứng khoảng 40 triệu đồng/tháng, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn trả nợ cho ngân hàng, chi phí vận hành công trình… Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, đến ngày 14-8 còn hơn 2.100 khách hàng đầu tư ĐMTMN chưa được ngành điện thanh toán. “Từ tháng 3-2022 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án ĐMTMN kêu cứu do bị tạm dừng thanh toán tiền mua bán điện”, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai xác nhận.
Dự án ĐMTMN do Công ty CP Xây lắp kỹ thuật C.H.K đầu tư tại Nhà máy gạch Thái Tuấn, thôn Bích Bắc, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: QUỐC HÙNG

Câu chuyện “mắc cạn” khi đầu tư ĐMTMN không chỉ xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai mà tại tỉnh Bình Dương cũng có 28 nhà đầu tư ĐMTMN đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công thương và cơ quan chức năng đề nghị tháo gỡ khó khăn do không được thanh toán tiền điện từ ngày 31-3-2022. Nguyên nhân là mới đây các đại diện chủ đầu tư đã nhận được thông báo của ngành điện về việc tạm dừng thanh toán do hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung các hồ sơ còn thiếu, gồm: an toàn công trình xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ… “Việc này sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, vì doanh nghiệp khi xây dựng dự án có những khoản vay lớn, sẽ chịu chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất phạt quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn, khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng, gia tăng nợ quá hạn và nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, lãng phí nguồn lực lớn của xã hội đã đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời”, các doanh nghiệp bày tỏ. Tương tự, mới đây, gần 30 công ty đầu tư ĐMTMN tại tỉnh Kon Tum gửi đơn đến ngành điện không đồng tình việc bị buộc phải tiết giảm, sa thải sản lượng điện. 

Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN tại nhiều tỉnh, thành, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang đối diện khó khăn vì buộc tiết giảm công suất, sa thải sản lượng điện. Đại diện các doanh nghiệp cho biết không làm sai luật. Lý do, từ năm 2020 trở về trước, các nhà đầu tư căn cứ vào chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam để đầu tư mà không nhận được bất kỳ hướng dẫn, cảnh báo, ngăn chặn... nào từ cơ quan có thẩm quyền. 

Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, đối với công trình ĐMTMN phải thực hiện theo trình tự thủ tục đầu tư xây dựng thiết kế, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, giấy phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chỉ một vài doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhưng vẫn chưa đầy đủ; hoặc hầu hết nhà xưởng đã được cấp phép xây dựng, nhưng khi chủ nhà xưởng cho các đơn vị khác thuê mái nhà hoặc tự đầu tư hệ thống ĐMTMN đã không xin cấp phép xây dựng đối với hạng mục ĐMTMN. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên mái các nhà xưởng ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu chịu lực công trình hiện hữu, nhưng hầu hết chưa thực hiện đánh giá, kiểm định lại an toàn chịu lực của nhà xưởng. Chỉ một vài doanh nghiệp thuê tư vấn độc lập kiểm định lại nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định...

Công trình phải tuân thủ đúng quy định

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp sở xây dựng, công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn công trình, an toàn lao động, an toàn cháy nổ đối với các công trình, cơ sở lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Sở Công thương phải chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định, hướng dẫn về thủ tục đầu tư, xây dựng hệ thống ĐMTMN trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Tin cùng chuyên mục