- Kết thúc một chương trình liên hoan cải lương toàn quốc mới đây, cái gây hụt hẫng nhứt là có quá trời “vàng, bạc” được trao. Ai đời mà huy chương vàng và bạc được phát nhiều như… giấy khen học sinh giỏi!
- Chuyện này đâu có lạ. Cứ đi hội diễn, liên hoan là kiểu gì cũng có giải thưởng mang về. Dẫu kịch bản kém, diễn xuất chểnh mảng, rồi nhắc tuồng lộ liễu mà vẫn có huy chương. Ắt là cái thứ đeo trên cổ đó kém danh giá. Lâu lắm rồi, khán giả ghiền cải lương chờ đợi vở diễn có tầm từ kịch bản tới dàn dựng, biểu diễn. Nhưng cái đáp đền được niềm mong ngóng đó mãi vẫn còn ở đâu xa lắc.
- Ủa, chứ không phải do khán giả nguội lạnh, không đến rạp khiến cho nghệ thuật truyền thống dần mai một?
- Tất nhiên là sân khấu truyền thống bị “mờ đèn” cũng do thị hiếu thay đổi. Nhưng trong nhiều thôn xóm, vẫn có những gánh hát bình dân, từ ông bầu tới diễn viên ban ngày chân đều dính phèn, tối rửa chân leo lên sân khấu. Bên dưới, khán giả vẫn vỗ tay rần rần. Họ không có điều kiện diễn vở mới, toàn mang tuồng xưa tích cũ ra mần, thế mà vẫn sung. Lý do là họ vẫn giữ được nhiệt huyết, và diễn bằng tất cả thôi thúc tự thân.
- Ờ, phải. Cứ đổ lỗi mà không thấy là do mình dở thì không có lối ra. Người nghệ sĩ muốn khán giả thương thì đừng tự mình tụt lại.