Tự nghiên cứu thổ nhưỡng, tự gom nhặt các bài thuốc dân gian, lặn lội khắp chốn rừng thiêng nước độc… để tìm lại những phương thuốc cổ truyền từ ngàn xưa đã thất truyền, đó là khát vọng của thầy thuốc Nguyễn Hữu Trọng. Ông đã cống hiến không mệt mỏi cho khoa học, mong muốn tìm ra nhiều phương thuốc chữa bệnh cứu người.
Dấn thân cho nam dược
“Ông ấy tên là Trọng ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông ấy đã gom hết những cây thuốc và phương thuốc quý thành một khu vườn ở trên đỉnh núi kia kìa”, bà Triệu Thị Loan người chuyên bán thuốc ở chợ Ba Vì chỉ tay lên núi và nói với chúng tôi như vậy.
Nghe bà kể, tôi càng nóng lòng muốn được “diện kiến” vị thầy thuốc này. Từ thị trấn Ba Vì, phải vất vả với quãng đường gần 10km dốc đứng, chúng tôi mới tìm đến được “kho thuốc” của thầy Trọng. Ra tận ngõ đón khách là một người đàn ông cao to vạm vỡ, bước chân nhẹ nhàng đĩnh đạc, đã ngoài 80 tuổi nhưng trông ông còn khỏe lắm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn thuốc, bác sĩ Trọng kể về những hành trình, câu chuyện hành nghề y tìm thuốc cứu người đầy gian nan vất vả.
Sinh ra ở vùng quê Kinh Bắc nhưng lớn lên nơi cầu tự chùa Yên Tử (Quảng Ninh). “Từ nhỏ tôi đau ốm quặt quẹo suốt ngày, mỗi lần khóc là mỗi lần ngất đi trong tay mẹ, khiến gia đình tôi rất hoảng. Nghe theo lời chỉ bảo của nhiều người, bố mẹ đưa tôi đến nương nhờ đức Phật ở chùa Yên Tử. Chính thời gian chữa bệnh ở chùa được nghe các nhà sư thuyết giảng Phật pháp mà tôi đã ngộ ra chân tâm phù độ chúng sinh”, bác sĩ Trọng tâm sự.
Sau năm 1954, hòa bình lập lại, ông Trọng thi đỗ vào trường đại học y. Vốn thông minh lại am hiểu nhiều phương thuốc cổ truyền nên ông được giáo sư Phạm Ngọc Thạch chọn đi học lớp “nghiên cứu, thí nghiệm” thuốc cứu chữa cho bệnh nhân.
Với ý chí vươn lên và nghị lực của một thầy thuốc, ông được cấp trên cử sang Ủy ban Khoa học Nhà nước phụ trách các đề tài lớn như: Chương trình khoa học và sức khỏe dưới quyền điều hành của giáo sư, viện sĩ Tôn Thất Tùng; Chương trình cải tiến bữa ăn nhà nước của hai giáo sư Từ Giấy, Phạm Ngọc Thạch.
“Thời gian học tập, công tác cùng các vị “tiền bối” tôi học được rất nhiều điều bổ ích về cách điều trị chữa bệnh cứu người. Những lần trao đổi về đề tài khoa học với các giáo sư Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Từ Giấy… tôi luôn trăn trở, vì chưa vận dụng tốt nhiều bài thuốc y học cổ truyền hay của cha ông, đặc biệt là của danh y Hải Thượng Lãn Ông, trong khi đó người Trung Quốc họ lại làm tốt việc này”, bác sĩ Trọng băn khoăn.
Ông giãi bày: “Là người kế tục các công trình nghiên cứu, khi nào chưa xong thì chừng ấy tôi ăn không ngon ngủ không yên. Các “tiền bối” đã giao phó và người bệnh đang mong mỏi, điều đó luôn thôi thúc tôi sớm hoàn thành việc khai thác các phương thuốc nam”!
Trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông luôn nhớ về câu thơ các cụ tổ ngành y để lại: “Ngàn năm mây trắng còn đây/Ngàn năm cây cỏ còn hay chăng người?” và càng thôi thúc khát khao cống hiến không ngừng nghỉ của ông.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, đông y Trung Quốc bắt đầu du nhập sang Việt Nam. Trong một thời gian ngắn các phòng khám đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường chữa bênh bằng đông y.
Thời gian này bác sĩ Trọng quyết định sang Liên Xô (cũ) và Trung Quốc để tìm hiểu thực hư, ông cho biết: “Đúng là danh bất hư truyền, ngoài những phương pháp chữa bệnh hiện đại, đa số người Hoa vẫn chuộng chữa bệnh bằng thuốc đông y vì phương pháp này an toàn và hiệu quả”.
Những ngày ở Tây Tạng ông học được cách bào chế biệt dược, trong đó có cao ngựa bạch, không những vậy ông còn tìm hiểu sâu về giống ngựa và môi trường sống để đem ngựa bạch về Việt Nam nuôi và chỉ một năm sau những chú ngựa bạch đã có mặt ở Hà Khẩu (Lào Cai). “Lý do các phòng khám đông y Trung Quốc không thiếu nguồn dược liệu cả số lượng lẫn chất lượng là do nước bạn biết cách xây dựng thành khu, cụm bảo tồn và phát triển. Ở Việt Nam chưa làm được điều này”, ông Trọng bảo.
“Kho thuốc” Tuệ Tĩnh
Năm 1995, sau khi về nước, bác sĩ Trọng tiếp tục hoàn thiện công trình nghiên cứu “Bảo tồn và phát huy cây con làm thuốc”. Thời gian nghỉ hưu ông tiếp tục hành trình lên vùng núi Sa Pa (Lào Cai), Yên Lập (Phú Thọ), đi khắp dãy Hoàng Liên Sơn… đó là nơi trú ngụ của đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng với các cây thuốc, bài thuốc quý hiếm mà họ đang lưu giữ.
Cùng ăn cùng ở với bà con dân tộc và vận động bà con giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh, ông thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Một số phương thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép như: tinh bột xoài, lá vối rừng, trà túi lọc giảo cổ lam, bách vạn Thăng Long…
Sau nhiều năm nghiên cứu, cùng với ý chí quyết tâm không mệt mỏi, ngày 10-9-2009 được sự chấp thuận của bà con người Dao và chính quyền huyện Ba Vì cho phép cho ông xây dựng khu sinh thái bảo tồn thuốc nam mang tên Tuệ Tĩnh Đường với tuyên ngôn “Người Nam dùng thuốc nam”. Khu bảo tồn nằm cạnh dãy núi Tản Viên. Đây là nơi truyền giữ những cây thuốc, bài thuốc nam. “Tôi đang khẩn trương xây dựng thành trung tâm điều dưỡng Tuệ Tĩnh của thủ đô nói riêng cũng như đồng bào trong và ngoài nước nói chung”, ông Trọng cho biết chiến lược phát triển sắp tới.
Phóng tầm mắt quanh khu bảo tồn, chúng tôi nhận thấy các cây thuốc nam đang đâm chồi xanh tốt. Các cây thuốc đều được khoanh ô và ghi tên rất khoa học. Khi được hỏi về lý do chọn Ba Vì làm nơi bảo tồn cây thuốc nam, bác sĩ Trọng cười và bảo: “Ở đây gần trung tâm, gần khu bảo tồn Ba Vì, nơi có nhiều cây thuốc, 90% người dân Ba Vì làm thuốc, 40% bốc thuốc và họ lại giữ bí quyết chữa bệnh, tôi mượn chính người bản địa để họ chăm sóc và làm cho kho thuốc thêm phong phú …”.
Khát vọng lập khu bảo tồn đã được thực hiện, vậy bác sĩ còn băn khăn điều gì? Trả lời câu hỏi của tôi, ông cười nói: “Hầu hết dân mình chưa có thói quen dùng thuốc nam mà chỉ thích dùng thuốc Tây đắt tiền. Họ còn “mê” thuốc Tây mà không biết rằng nếu biết dùng thuốc nam đúng cách thì hiệu quả còn hơn cả thuốc Tây. Mua thuốc nam không khó, có điều dân mình có chịu thay đổi thói quen không thôi”!
Không chỉ mấy dòng chữ có thể viết hết cuộc đời bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng. Tôi xin mượn lời của ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Việt Nam, dành cho bác sĩ Trọng để kết thúc bài viết này: “Cuộc đời ông đã cống hiến rất nhiều cho xã hội… nhưng đáng quý hơn, ông đã cống hiến cho xã hội một con người”.
ANH PHẠM