Bên cạnh áp lực cơm áo gạo tiền, không ít người trẻ hiện nay còn gặp phải một áp lực vô hình với mong muốn khẳng định bản thân mình là ai, mình có gì ở tuổi 30… Chính điều này, ít nhiều đã đẩy một số người tới những áp lực tâm lý nặng nề, dễ rơi vào các thương vụ đầu tư đầy rủi ro.
Trong nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, chủ đề “Có gì ở tuổi 30” được đông đảo bạn trẻ quan tâm và phần nhiều các ý kiến đều phân tích khía cạnh tài sản, chức vụ ở tuổi 30 mà họ đạt được. “Tuổi 30 phải thành công”, “30 tuổi làm trưởng phòng”, “30 tuổi mà không có sự nghiệp riêng thì thất bại rồi”… Những bình luận này vô tình trở thành một thước đo mà không ít người vì đó mà chấp nhận cày ngày cày đêm, mặc kệ giới hạn của sức khỏe.
Thành công là một khái niệm tùy thuộc vào mỗi người, nó có thể dựa trên tài sản hay chức vụ hiện tại, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là tất cả. Thành công chính là mức độ mà mỗi người hài lòng về cuộc sống và công việc hiện tại của bản thân. Một chức vụ cao, một thu nhập như mơ ước nhưng có quá nhiều áp lực đến mức thời gian nghỉ ngơi cũng hiếm hoi thì điều đó không hẳn là một thành công.
“Ngày trước, sau khi khởi nghiệp không thành công, tôi thất nghiệp từ năm 30 tới 35 tuổi luôn. Nói thất nghiệp thì cũng không hẳn nhưng lúc đó công việc không ổn định, có tháng thu nhập vừa đủ trả tiền nhà, tiền ăn. 35 tuổi bắt đầu làm lại mọi thứ và tích lũy dần để có được cơ sở như hôm nay là cả một chặng đường dài. Vì vậy, thất bại hay thất nghiệp ở tuổi 30 hay bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là một tinh thần không buông xuôi”, anh Võ Văn Chánh (43 tuổi, chủ nhà hàng chay trên đường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) chia sẻ.
Tuổi 30 quan trọng là bạn đã hài lòng với những gì mình đã thực hiện hay chưa? Nếu câu trả lời là có thì đó là một thành công và nếu chưa thì tiếp tục cố gắng và nỗ lực, mọi thành tựu đều cần thời gian để vun đắp chứ không thể ngày một ngày hai. Tiền bạc, tài sản, địa vị… là những thứ cần có trong cuộc sống mỗi người, nhưng đừng lấy đó làm thước đo rồi tạo áp lực cho chính mình.