"Nước non đau xót như lòng mẹ, mất một người con: Nguyễn Chí Thanh”. Đó là hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết lúc đồng chí Nguyễn Chí Thanh mất, còn được nhiều người nhớ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1914 ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 17 tuổi đồng chí đã tham gia phong trào thanh niên chống chính quyền thực dân.
Tháng 7 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã từng bị giặc Pháp bắt, bỏ tù. Năm 1945 ra khỏi nhà tù, tiếp tục hoạt động cách mạng ở miền Nam Trung bộ. Tháng 8 năm 1945, đồng chí tham dự hội nghị Tân Trào (Tuyên Quang), tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung bộ, Ủy viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 lật đổ chính quyền Bảo Đại theo Nhật, ở Thừa Thiên – Huế (8-1945).
Đồng chí là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, bám trụ chiến trường vào lúc hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị bị giặc Pháp tạm chiếm (1946 - 1948) rồi Bí thư Khu ủy 4 (1948 - 1950). Đồng chí đã qua 11 năm, là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng quân ủy (1950 - 1961).
- Tháng 3-1961, do yêu cầu phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc, đồng chí được chuyển ra làm “đại tướng nông dân”.
- Từ 1965 đến 1967, đồng chí vào Nam bộ mang bí danh Sáu Di, là Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (cùng lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương Cục và đồng chí Trần Văn Trà là Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam).
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta tưởng nhớ đến sự đóng góp to lớn của đồng chí vào những thắng lợi to lớn của dân tộc ta, tưởng nhớ đến sự đóng góp to lớn của đồng chí trong công tác xây dựng Đảng. Về xây dựng Đảng, đồng chí đã có những lần nói, những bài viết về việc phải giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt, về việc phải chống chủ nghĩa cá nhân, mà ai đã nghe, đã đọc đến, đều cho là rất sâu sắc. Mà nghe xong, đọc xong, không ai có thể không suy nghĩ để kiểm điểm lại mình.
Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chúng ta tưởng nhớ đến sự đóng góp công sức to lớn của đồng chí trong việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, mang bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” mà chính đồng chí đã nêu gương tiêu biểu “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Thể hiện bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” là hy sinh quên mình vì nhân dân, là sát cánh cùng nhân dân để chiến đấu với tinh thần sẵn sàng đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, thắng không kiêu, không tranh công, bại không nản, không đổ lỗi.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong những năm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã đặc biệt quan tâm xây dựng nền móng chính trị vững chắc của quân đội nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là luôn luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác chính trị tư tưởng đối với quân đội. Đó là luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, mạnh dạn đào tạo, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ ưu tú xuất thân từ công nông, sử dụng và phát huy cán bộ ưu tú xuất thân là trí thức đã qua rèn luyện thử thách trong chiến đấu, được nhân dân, được chiến sĩ tin yêu.
Tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chúng ta tưởng nhớ đến những năm tháng đồng chí đã sát cánh với quân giải phóng và nhân dân miền Nam, ngoài việc tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí còn góp sức tuyên truyền cổ động bằng nói chuyện, bằng viết báo. Những bài báo với bút danh Trường Sơn được phát trên đài phát thanh đã thu hút người nghe và người ta càng nghe thì càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lúc Mỹ đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh Cục bộ, ai đã được nghe đồng chí phân tích về thế ta, thế địch, sức ta sức địch và cách đánh của ta, đều vững lòng tin chắc thắng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường là từ tình hình thực tế mà suy nghĩ phân tích rồi đề ra ý kiến chỉ đạo. Đồng chí thường có cách diễn đạt rất dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi từng nghe đồng chí nói về giữ vững chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng, về nắm thắt lưng địch mà đánh, không bị động đối phó với cách đánh của quân Mỹ mà chủ động buộc Mỹ phải bị động đối phó với cách đánh của ta, phải làm cho Mỹ “tréo giò” như “phải ăn cháo bằng dĩa”.
Tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, sống gần gũi với đồng chí, ai cũng nhận thấy ở đồng chí có lối sống giản dị, xởi lởi, thật lòng, thật dạ. Đối với việc làm hay, đồng chí khen đến nức lòng. Đối với việc làm sai trái, đồng chí phê phán thẳng thắn sâu sắc đến thức tỉnh tận lương tâm, làm cho ai đã làm sai là phải ân hận, phải sửa đổi...
Xuất thân con nhà nghèo, học ở trường chưa qua bậc tiểu học, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến lớn, đặc biệt là cống hiến về trí tuệ. Đó là nhờ vào đức ham học, ham đọc, ham suy nghĩ, đó cũng là tấm gương sáng cho chúng ta.
Sau lần ra làm việc với Bộ Chính trị xong, chuẩn bị trở về Nam, đồng chí lâm bạo bệnh đã mất ngày 6 tháng 7 năm 1967 tại Hà Nội, lúc đồng chí mới 53 tuổi.
Với đức ấy, với tài ấy, với nghị lực tự học, tự rèn luyện ấy mà không sống thêm được nữa, thật vô cùng thương tiếc.
Trần Trọng Tân