AP ngày 4-2 dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ và châu Âu sẽ sớm đàm phán về gói viện trợ cho Ukraine. Và theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton tiết lộ với tờ “Wall Street Journal” hôm 2-2 rằng “đây là gói viện trợ không hề nhỏ”. Trước đó, Ukraine đã nhận được cam kết cứu trợ trị giá 15 tỷ USD từ Nga thông qua việc mua trái phiếu và giảm 30% giá khí đốt để giúp đỡ nền kinh tế đang suy yếu của nước này. Hãng tin AP ngày 4-3 bình luận Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich dường như bị kẹt giữa cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Không chỉ ngày nay, mà lịch sử từ xưa đã đặt Ukraine trải qua hàng thế kỷ ở vị trí bấp bênh giữa Đông và Tây.
Chạm khắc gương mặt Ukraine
Một nước Ukraine nằm trong vùng biển Đen chiến lược với đất đai màu mỡ và tài nguyên khoáng sản dồi dào, dường như quá hấp dẫn trên bàn cờ địa chính trị khu vực nên không một nước nào muốn bỏ qua.
Đúng như vậy, có thể nói lịch sử Ukraine trước Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga và sau khi độc lập khỏi Liên Xô là lịch sử bị bên ngoài tác động, chính xác hơn là cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa các đế quốc châu Âu đã đưa đến sự định hình một xã hội bị chia rẽ nội bộ sâu sắc.
Đất đai Ukraine chủ yếu là đất đen màu mỡ và Ukraine hoàn toàn có khả năng trở thành nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, nhưng Ukraine lại luôn bị chạm khắc và nhào nặn bởi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng với nhau. Kể từ thế kỷ 17, vùng đất phía Đông sông Dnepr của Ukraine được gọi là vùng Bờ Trái, nằm dưới sự cai trị của Nga hoàng Rumanov. Vùng đất phía Tây sông Dnepr gọi là Bờ Phải thì bị các cường quốc ở châu Âu thời bấy giờ như Ba Lan và đế quốc Áo-Hung chiếm giữ.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng người miền Đông và miền Tây có cách cảm nhận, suy nghĩ và hành động khác nhau. Người miền Đông đa số nói tiếng Nga và theo Chính thống giáo, còn người miền Tây đa số nói tiếng Ukraine và theo Thiên Chúa giáo La Mã. Người miền Đông ủng hộ quốc hữu hóa, xem bất công xã hội là điều gì đó không thể chấp nhận được, ngược lại dân miền Tây ủng hộ tư nhân hóa và xem khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là chuyện bình thường và đó là nhiệm vụ của các chính trị gia. Ở mức độ nào đó, điều này giải thích tại sao người dân miền Đông thích các chính trị gia thân Nga, còn người miền Tây thích các chính trị gia thân phương Tây và những gì mà họ gọi là giá trị phương Tây.
Ai sẽ thắng?
Đối với Nga, giữ Kiev là đồng minh thân cận có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Nga có nguy cơ thiệt hàng chục tỷ USD nếu Ukraine không ký kết hiệp ước thương mại với Nga mà ký với EU. Về chính trị, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich thân Nga, đã trải qua một giai đoạn chật vật mới trở lại chiếc ghế tổng thống sau khi bị lực lượng cách mạng Cam thân phương Tây lật đổ năm 2004, dù ông vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Về quân sự, Nga không muốn mất quân cảng Sevastopol của hạm đội Biển Đen. Biển Đen là vùng biển mà trong lịch sử cận đại, Pie Đại đế đã đánh giá có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của nước Nga và ông đã mất hàng chục năm với 3 cuộc chiến tranh để mở đường ra Biển Đen. Không chỉ vậy, Nga không muốn Ukraine gia nhập NATO để biên giới NATO áp sát biên giới Nga và NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất Ukraine.
Theo phân tích của Viện Brookings của Mỹ, EU muốn Ukraine thân thiết với mình nhưng trong lúc nước này cần tiền để tiến hành cải cách kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu ký kết hiệp ước thương mại với chính EU thì EU lại “cao giọng” nói ký kết hiệp ước kinh tế với EU là lợi ích kinh tế, chính trị của chính Ukraine và EU không vì lý do gì mà chi tiền viện trợ cho Ukraine (có lẽ EU cũng không gánh nổi vì họ đang gánh hàng loạt các nước vỡ nợ trong khối như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…). Cho đến khi tình hình Ukraine ngả sang Nga thì các quan chức EU mới hoảng lên, kêu gọi vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với EU.
Còn đối với Mỹ, nước này luôn để EU dẫn đầu mọi cuộc khủng hoảng và họ chỉ đứng “chống lưng”. Nhưng rõ ràng lần này Mỹ quá sốt ruột nên đã thực thi cấm vận Ukraine đầu tiên bằng cách không cấp visa cho quan chức Ukraine mà họ cho là đàn áp người biểu tình và đang chuẩn bị các biện pháp cấm vận tài chính. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trực tiếp phát biểu về mối lo ngại của Mỹ đối với tình hình Ukraine, còn Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thì gọi điện thoại mấy lần cho Tổng thống Ukraine Yanukovich.
Và gói viện trợ của Mỹ và EU lần này cho thấy Mỹ và phương Tây đã thật sự không thể ngồi yên. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton phát biểu với tờ “Wall Street Journal” rằng gói viện trợ có tên “Kế hoạch Ukraine” này nhằm giúp Ukraine trải qua giai đoạn chuyển tiếp, trong đó, một chính phủ lâm thời với thành phần rộng rãi có thể phê chuẩn các cải cách chính trị và kinh tế cũng như chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến vào năm tới. Tờ báo dẫn lời bà Ashton nói bên lề Hội nghị an ninh Munich (Đức) rằng quy mô của gói viện trợ EU-Mỹ này vẫn chưa được quyết định, song “các con số sẽ không hề nhỏ”. Gói viện trợ này có thể không chỉ là tiền, mà còn bao gồm cả “những đảm bảo” hay trợ giúp về đầu tư hoặc giúp tăng giá đồng nội tệ, kể cả những khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Có thể nói phương Tây đã quyết định đầu tư dài hơi cho Ukraine, bằng chứng là đầu tư vào cuộc bầu cử tổng thống năm sau, trong đó có lựa chọn nhân vật thân phương Tây đủ tầm ảnh hưởng để tranh cử tổng thống Ukraine. Các chính trị gia cũng cho rằng kế hoạch này không loại trừ thổi bùng lên một cuộc cách mạng “màu” nếu như phe thân phương Tây không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử như họ đã từng kích động cuộc Cách mạng Cam năm 2004.
Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Ukraine? Do hậu quả của các cuộc chiến tranh thuộc địa giữa các đế quốc, bản thân người Ukraine cũng bị chia rẽ giữa Đông và Tây nên tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng cũng không dễ dàng. Trong lúc đó, phương Tây không ngừng sử dụng biện pháp ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”. Nhưng họ quên mất là ngày nay các nước đang phát triển có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính của nhiều liên minh khác, chứ không còn chăm bẳm vào mỗi việc vay tiền IMF hay WB. Một điều cũng khá quan trọng: phương Tây đổ tiền cho Cách mạng Cam, nhưng hiện nay các nước EU và Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn, liệu họ có đủ khả năng tài chính để thực hiện gói viện trợ mà họ “nhá hàng” trong thời gian gần đây không?
VIỆT TRUNG