Vận dụng linh hoạt quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh

Hôm qua (12-12) là thời hạn cuối cùng các địa phương tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông (văn bản thay thế Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT). Với mục tiêu đó, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đã tổ chức Tọa đàm “Nghệ thuật khen thưởng, kỷ luật học sinh”.

Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết khen thưởng và kỷ luật học sinh tuy là 2 biện pháp có nội hàm giáo dục khác nhau nhưng đều chung mục tiêu là cảm hóa học sinh. Để khen thưởng hay kỷ luật học sinh phù hợp, cần sự quan tâm, sâu sát của giáo viên, linh hoạt trong từng tình huống ứng xử chứ không nên áp dụng máy móc theo quy định. Ngoài ra, để tránh cảm tính trong khen thưởng và kỷ luật, trường học cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử với những tiêu chí cụ thể, xác định rõ mục tiêu giáo dục của nhà trường để thực hiện công khai, có sự tham gia của học sinh, phụ huynh.

Còn Th.S Nguyễn Văn Bắc, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng khen thưởng hay kỷ luật chỉ đạt hiệu quả giáo dục khi tiến hành “đúng người, đúng việc, đúng mức”. Trong đó, người học cần được tạo môi trường phát huy đầy đủ tài năng và năng khiếu thông qua các hoạt động giáo dục, được đánh giá trên nhiều phương diện (đạo đức, hoạt động phong trào, thể dục thể thao, nghệ thuật…), chứ không chỉ tập trung vào kết quả học tập.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề xuất khen thưởng không cần quy định bắt buộc vào cuối học kỳ hoặc cuối năm học, mà cần kịp thời thông qua khen thưởng đột xuất, chú trọng giá trị tinh thần (tổ chức lễ trang trọng, hiện đại, có sự tham gia, chứng kiến của phụ huynh…) chứ không cứng nhắc định lượng vật chất như trước đây. Đối với khen thưởng tại lớp, cần giao quyền cho giáo viên chủ nhiệm.

Đối với cấp trường, hàng tuần hoặc hàng tháng, các tổ chức đoàn, hội trong nhà trường sơ kết phong trào “Người tốt, việc tốt”, lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh tại các buổi sinh hoạt dưới cờ. Một số hình thức xử phạt học sinh theo quy định cũ không còn phù hợp bối cảnh xã hội hiện đại cần xem xét lại, như khiển trách học sinh trước toàn trường, đuổi học một năm… Thay vào đó, giáo viên cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh sai phạm, dùng tình thương của mình để cảm hóa học sinh, giúp các em nhận ra lỗi lầm, từ đó mạnh dạn đề xuất giải pháp sửa chữa, thể hiện sự tiến bộ… 

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cần nghiên cứu đưa “hơi thở thời đại” vào tiêu chí đánh giá học sinh để phù hợp hơn tình hình thực tiễn, như các tiêu chí về bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trong nhà trường. Song song với việc ban hành bộ quy tắc ứng xử, các trường cần quan tâm đầu tư phòng tư vấn học đường, phát huy tinh thần nêu gương của giáo viên... 

Tin cùng chuyên mục