
Người ta đang dần quen với kiểu “văn hóa chợ” tại V-League khi mọi thứ đang được đong đếm bằng tiền, bây giờ lại phải ráng mà quen cái kiểu văn hóa… chồm hổm ở giải hạng Nhất, sau việc Quảng Ngãi đùng đùng bỏ trận đấu về khách sạn. Cách đây chưa lâu, Quảng Nam cũng từng làm thế, dù chưa đến mức bỏ về...

Phản ứng với quyết định của trọng tài trong trận gặp SG.Utd, đội STN. Quảng Ngãi dừng trận đấu và bỏ ra về. Ảnh: Dũng Phương
Gọi là “văn hóa… chồm hổm” như vậy chắc vẫn chưa quá nặng nề, bởi lẽ, ngay ở các nơi người ta mua bán vội vội, vàng vàng mà chúng ta hay quen gọi là “chợ chồm hổm” ấy vẫn có những qui tắc hoặc sự tôn trọng nhau trong kinh doanh, lẫn trong cách ứng xử với các cơ quan luật pháp. Thế nên, hành động tự ý dừng trận đấu, ngang nhiên bỏ ra về thì làm gì có cái gọi là “văn hóa”. Tất nhiên, đội bóng STN Quảng Ngãi có lý do để phản đối trọng tài, nhưng không biết họ có nghĩ rằng, chuyện họ bỏ trận đấu là một sự xúc phạm đến những người có mặt trên sân, là một hành vi không tôn trọng luật chơi!
Phải chăng, chỉ vì nghĩ rằng trọng tài thổi thiên vị đội chủ nhà mà Quảng Ngãi cho phép mình coi thường luật lệ. Vì cho rằng mình bị đối xử thiếu công bằng mà họ lại chẳng cần quan tâm đến công bằng cho những người cất công đến sân xem trận đấu. Dù chỉ có 1 người đến sân xem trận đấu thì họ cũng phải được tôn trọng. Ngay cả ở “chợ chồm hổm”, khách hàng vẫn là thượng đế và người ta vẫn phải ngó trước, ngó sau đề phòng các đơn vị chức năng kia mà!
Điều đáng nói ở đây là sự việc diễn ra ở giải hạng Nhất chứ không phải ở cấp độ nghiệp dư. Các đội bóng, cầu thủ đều là những người sống bằng bóng đá chứ không phải thích thì đá, không thích thì nghỉ. Sự kiện NHS Quảng Nam không chịu đá tại sân Ninh Bình hồi đầu lượt về đã thấy bôi bác lắm rồi, nay đến chuyện của STN Quảng Ngãi thì đúng là không còn gì để bào chữa. Những người đang tham gia vào bóng đá mà còn hành xử như ở chợ trời thì đừng trách tại sao CĐV đến sân chỉ muốn đánh nhau.
Giờ đây, bằng một sự kiện như vậy, có thể tìm ra được nguyên nhân cho hàng loạt các vấn đề ở bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa?
NỖI ĐAU CỦA MỘT NỀN BÓNG ĐÁ
Từ năm 2005 đến nay, cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được xem là phát triển cao độ, ấy là vì người ta cứ nhìn cách các đại gia tung tiền vào bóng đá. Tuy nhiên, cũng trong quãng thời gian vàng son ấy, đã có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra nặng nề hơn hẳn thời bao cấp.
Bắt đầu từ việc các cầu thủ bán độ tại SEA Games 23, đến trọng tài bị mua chuộc, đến chuyện thị trường chuyển nhượng bị đẩy giá lên một cách kinh khủng, rồi chuyện “mua-bán” các đội bóng như đi buôn bất động sản… Đến năm 2007, bắt đầu có bạo loạn trong sân bóng. Năm 2009, đến lượt BTC sân tấn công đội khách, rồi bây giờ là bỏ trận đấu mà chẳng cần biết hậu quả ra sao. Chưa nói đến các việc liên quan đến trọng tài, chuyện “ân tình” giữa các đội vẫn cứ xảy ra đều đều.
Thế thì có nên gọi chúng ta đang có một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa hay không?
Sẽ có người cho rằng, bóng đá Việt Nam đang phát triển, bằng chứng là chức vô địch AFF Cup, nhưng nếu suy xét cặn kẽ thì đội tuyển của ông Calisto đăng quang bằng những giá trị rất cơ bản của bóng đá, chứ chẳng phải là kết quả từ một quá trình chuyên nghiệp. Đội tuyển ấy được nhào nặn bởi một con người đặt ý nghĩa cống hiến lên hàng đầu, và các cầu thủ chơi không phải vì tiền. Nó hoàn toàn khác những gì đang diễn ra tại các giải quốc nội hiện nay.
10 năm trước, ông Alfred Riedl từng nói: “Việt Nam vẫn chưa có văn hóa bóng đá”. 10 năm sau, chúng ta có thứ “văn hóa chợ” và “văn hóa …chồm hổm” trong bóng đá.
Vậy là tiến hay lùi?
HỒ VIỆT
(SGGP thể thao)