Việt Nam khuyến khích đầu tư những dự án có hàm lượng công nghệ cao

Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm CHND Trung Hoa, ngày 13-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm tỉnh Phúc Kiến, nằm ở phía Đông Nam Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham quan Khu phố cổ của TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham quan Khu phố cổ của TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến

Kim ngạch thương mại song phương đạt 3,4 tỷ USD


Chiều 13-5, tại TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và phát biểu tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc (tỉnh Phúc Kiến). Tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến Vu Vĩ Quốc nhấn mạnh, quan hệ giao thương giữa Phúc Kiến với Việt Nam khá mật thiết. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Phúc Kiến và Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD (tăng 13,8% so với năm 2015); quý 1-2017, kim ngạch thương mại song phương đã đạt 820 triệu USD và đang duy trì xu hướng phát triển tốt. Trong 3 tháng qua, đã có 45 doanh nghiệp Phúc Kiến đầu tư sang Việt Nam với tổng giá trị 270 triệu USD. Ông Vu Vĩ Quốc nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa tỉnh Phúc Kiến và Việt Nam chính là một trong những động lực phát triển của tỉnh; đồng thời khẳng định, việc tỉnh Phúc Kiến thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam nhân dịp chuyến thăm tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của tỉnh. 
Việt Nam khuyến khích đầu tư những dự án có hàm lượng công nghệ cao ảnh 1 Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Trung tâm Dịch vụ hành chính Phúc Châu
 Trước đó, tại cuộc gặp ông Vưu Quyền, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Phúc Kiến và ông Vu Vĩ Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng đến thăm tỉnh Phúc Kiến, địa phương giàu truyền thống lịch sử, có nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới và là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Chủ tịch nước chúc mừng lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phúc Kiến về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong gần 40 năm cải cách mở cửa, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo… Đặc biệt, với vai trò là một trong 4 địa phương đầu tiên của Trung Quốc được lựa chọn thí điểm xây dựng Khu mậu dịch tự do, Phúc Kiến đang thực hiện các cơ chế quản lý và vận hành kinh tế hiện đại để xóa bỏ những rào cản trong tiến trình thúc đẩy cải cách mở cửa. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao những kết quả tích cực trong giao lưu, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Phúc Kiến thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Phúc Kiến còn rất lớn. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và tỉnh Phúc Kiến nói riêng đầu tư vào những dự án có hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, logistics, điện tử, công nghiệp hỗ trợ..., trong đó chú trọng bảo vệ môi trường, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam. Tạo thuận lợi tiếp cận thị trường lẫn nhau Với đặc thù hai nước láng giềng có các tuyến đường biển, đường bộ, đường không, đường thủy tương đối phát triển; Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã có hiệu lực và nhiều sản phẩm mang tính bổ trợ cả về tiêu dùng và sản xuất, Việt Nam và Trung Quốc đặt mục tiêu sớm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương lên 100 tỷ USD theo hướng cân bằng cán cân thương mại. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng có thế mạnh được tiếp cận thị trường của nhau, nhất là mặt hàng nông - thủy - hải sản đã qua chế biến, hàng điện tử, hàng tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm công nghệ, linh kiện đầu vào phục vụ sản xuất, hàng nông sản, hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Trung Quốc là một trong 10 đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam (tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 11,2 tỷ USD); đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong hơn 10 năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt gần 72 tỷ USD. Với sự kết nối thuận tiện về đường biển, đường bộ và đường không, Việt Nam là cửa ngõ và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Ngoài ra, với nhiều di sản, thắng cảnh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang..., các đường bay liên tục được mở rộng sẽ tạo thêm sức hút hấp dẫn khách du lịch Trung Quốc đến với Việt Nam.   Khẳng định chủ trương nhất quán là bạn với tất cả các nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam kiên định hội nhập và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, lợi ích của mỗi nước; ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Trên cơ sở kết quả hợp tác tốt đẹp thời gian qua, Việt Nam mong muốn hai nước chủ động xây dựng định hướng, kế hoạch, giải pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tối đa hóa thế mạnh của mỗi nước, đặc biệt trong giai đoạn chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu trỗi dậy hiện nay.
Kết thúc tọa đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn đã đi thăm Trung tâm hành chính Phúc Châu - một trong những trung tâm hành chính hiện đại của Trung Quốc, được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Tại đây, các dịch vụ hành chính công đều thực hiện qua hệ thống xử lý dịch vụ điện tử, giúp người dân rút ngắn thời gian chờ đợi.
Chủ tịch nước cùng đoàn cũng đã đi thăm phố cổ Tam Phường Thất Hạng - một khu phố buôn bán sầm uất có bề dày lịch sử 1.700 năm. Tại đây, Chủ tịch nước và đoàn thăm triển lãm giới thiệu du lịch Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.   

Tin cùng chuyên mục