Việt Nam kiên trì hội nhập kinh tế quốc tế

Ngày 20-12, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã tổ chức diễn đàn: “Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 - Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, đã tới dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết, thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với 58 đối tác. Sau 10 năm thực hiện cam kết WTO và các FTA, xuất khẩu hàng hóa giữ xu hướng tăng, bình quân ước đạt 16,6%/năm. Dù thấp hơn giai đoạn 2000-2006 (19,4%) song mức tăng này vẫn ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong 11 tháng, tăng trưởng xuất khẩu tăng tới 21,5%, kim ngạch đã bằng 4 lần so với năm 2007. Nhập khẩu cùng giai đoạn tốc độ trung bình đạt 15,1%/năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000 - 2006 (21,1%). Tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ 20% các năm 2007 - 2008 xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư 0,1%-1,2% GDP 2012-2017. Cùng với xu hướng mở rộng thương mại hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam cũng đạt độ mở ngày càng lớn. Năm 2016, độ mở thương mại 171%, cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính thế giới (157,4% năm 2008). 

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác hội nhập quốc tế thời gian qua đạt một số kết quả khả quan, nổi bật là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2017 đạt con số kỷ lục 400 tỷ USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD. Nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, nhiều thị trường mới được mở ra. Tuy nhiên, sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập chưa đầy đủ, nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập quốc tế.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế dù tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước. Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đồng thời xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện; phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện. Thủ tướng cũng nêu rõ, tiến trình hội nhập nói chung, đặc biệt là kinh tế quốc tế cần phải có quyết tâm cao, với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn sẽ thất bại.

Tin cùng chuyên mục