
Sự kiện đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác Nam - Nam, với Việt Nam đóng vai trò tiên phong chia sẻ mô hình phát triển nông thôn hiệu quả với các nước đang phát triển ở châu Phi. Tại diễn đàn, FAO công bố sáng kiến “Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên”, trong đó cam kết hỗ trợ Việt Nam quốc tế hóa sản phẩm OCOP, tập trung vào 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có tiềm năng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, OCOP không chỉ là thương hiệu sản phẩm địa phương mà còn là cách tiếp cận sáng tạo trong phát triển nông thôn bền vững, với sự tham gia của nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Tính đến tháng 6-2025, Việt Nam đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 126 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao – sẵn sàng tiếp cận các thị trường chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn được thiết kế bao bì thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng tiêu dùng quốc tế.

Theo đại diện FAO, việc quốc tế hóa OCOP sẽ được hỗ trợ thông qua công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường năng lực cho các chủ thể nông thôn và mở rộng kết nối thị trường. FAO cũng đặt mục tiêu nhân rộng mô hình OCOP sang châu Phi, dựa trên bài học thực tiễn từ Việt Nam.
Diễn đàn mở ra cơ hội hợp tác ba bên giữa FAO, Việt Nam và các quốc gia châu Phi, góp phần lan tỏa giá trị nông nghiệp bản địa, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn.