Tháng 4-1949, khi Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) thành lập, Việt Nam đã chủ động cử 12 thành viên đến tham dự, tích cực thể hiện vai trò quan trọng là một trong những quốc gia thành viên sáng lập. Ủy ban Hòa bình thế giới ra đời tạo tiền đề để thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam.
Tiên phong
Không lâu sau đó, Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực, đáng ghi nhận trên trường quốc tế: lấy chữ ký ủng hộ tuyên bố Stockholm 1951 về chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân, tham gia phong trào kêu gọi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) và ủng hộ sớm thống nhất hai miền. Quan trọng hơn hết là giành hòa bình cho Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Với vai trò thành viên sáng lập WPC, Việt Nam luôn chủ động ủng hộ hòa bình ở các nước đang phát triển. Hội đồng hòa bình thế giới đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc. WPC đã coi ủng hộ Việt Nam là một trong những chương trình hành động hàng đầu, góp phần không nhỏ vào việc hình thành một mặt trận nhân dân rộng rãi, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đưa cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thắng lợi. Việt Nam đã cùng WPC tổ chức nhiều hoạt động quốc tế ở Việt Nam. WPC cũng tích cực sát cánh cùng những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quá trình đòi công lý.
Là người tâm huyết, theo sát các hoạt động vì phong trào hòa bình thế giới, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển cho biết: Mục tiêu của Việt Nam trong phong trào hòa bình thế giới là chống lại các cường quốc chạy đua vũ trang hạt nhân, sau là chống âm mưu thực dân quay lại xâm chiếm các dân tộc thuộc địa. Từ năm 1955 đến nay, Việt Nam luôn tích cực tham gia Hội nghị quốc tế chống bom A và H tại Nhật Bản. Năm 1985, Việt Nam hưởng ứng phong trào “Sóng hòa bình” để tưởng nhớ nạn nhân trong vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 ở thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Với tinh thần luôn sẵn sàng chia sẻ, biểu thị vì các dân tộc, vì hòa bình, Việt Nam thường tổ chức các hội thảo, lấy chữ ký, chạy bộ, đi bộ… vì hòa bình nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và nâng cao nhận thức về đấu tranh vì hòa bình đối với dân tộc mình.
Tự chủ
Để cụ thể hóa hơn vai trò đấu tranh, bảo vệ hòa bình trong thời đại mới, Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam (VPDF) ra đời. Trong bài trả lời phỏng vấn Báo SGGP đầu năm nay nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch VPDF từng nhấn mạnh: “Thực ra, hiện nay chúng ta vẫn phải bảo vệ đất nước. Vì có hòa bình mới có thể phát triển được, làm được mọi thứ như chúng ta mong muốn. Chúng ta phải luôn làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình”. VPDF đã đóng vai trò chủ động trong các mạng lưới và cơ chế quốc tế, như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, Mạng lưới quốc tế về ngăn chặn xung đột toàn cầu, Ủy ban tổ chức quốc tế của diễn đàn nhân dân Á - Âu, Diễn đàn xã hội thế giới, Nhóm hợp tác mạng lưới đoàn kết của nhân dân NAM-NAM, Mạng lưới tổ chức phi chính phủ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hội đồng Kinh tế và xã hội LHQ (ECOSOC).
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam vào tháng 5-2013, quỹ đã vinh dự nhận Huy chương Lao động hạng nhì. VPDF đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ theo đúng mục đích hoạt động: nghiên cứu vấn đề hòa bình, phát triển của Việt Nam và thế giới; tham gia các hoạt động của hòa bình thế giới, vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác. Quỹ đã thực hiện các nghiên cứu cấp bộ về cải cách giáo dục, tạo cơ sở cho việc ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Quỹ cũng đang chuẩn bị nghiệm thu đề tài cấp quốc gia về đổi mới căn bản, toàn diện giáo viên phổ thông. Ngoài ra, quỹ còn nghiên cứu các vấn đề tam nông, cử đoàn khảo sát tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu về sinh vật và thực phẩm biến đổi gen với tiêu chí thận trọng nhằm bảo đảm sức khỏe con người. Trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề quốc tế, đặc biệt là xây dựng kinh tế, quỹ đã tổ chức nhiều hội thảo và tìm được định hướng cho Việt Nam là độc lập tự chủ trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Theo đó, chỉ có độc lập tự chủ song song với tích cực hợp tác quốc tế thì Việt Nam mới tăng cường được vị thế và tiếng nói.
Quỹ hoạt động của VPDF đến từ nhiều nguồn: Nhà nước hỗ trợ, vận động từ doanh nghiệp trong nước, các tổ chức phi chính phủ. Với vai trò là thành viên nòng cốt của Hội đồng hòa bình thế giới, Việt Nam có lợi thế gắn chặt các đối tác, thiết lập được các mối quan hệ tổ chức hòa bình song phương, đa phương. Những đóng góp của Việt Nam trong hợp tác NAM-NAM (trao đổi tài nguyên, kỹ thuật và tri thức giữa các nước đang phát triển), Diễn đàn nhân dân Á - Âu (AEPF), tổ chức phi chính phủ Focus on Global South (nghiên cứu các vấn đề, giải pháp cho kinh tế toàn cầu)… Hướng đến kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung (hội nghị nêu cao tinh thần đoàn kết các nước đang phát triển), quỹ sẽ ra ấn phẩm về hòa bình phát triển. Bên cạnh đó, quỹ tái bản sách Việt Nam và biển Đông, ra mắt sách 60 năm Băng-đung.
| |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)