Vợ chồng tương kính như tân

Th.s Hà Trung Thành trích dẫn câu thành ngữ “Tương kính như tân” của ông bà xưa để cho thấy những bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình từ xưa đến nay vẫn không có gì thay đổi.
TS Nguyễn Thị Bích Hồng trò chuyện tại buổi tọa đàm Bí quyết giữ lửa hạnh phúc do Nhà Văn hóa Phụ nữ tổ chức
TS Nguyễn Thị Bích Hồng trò chuyện tại buổi tọa đàm Bí quyết giữ lửa hạnh phúc do Nhà Văn hóa Phụ nữ tổ chức
Thời cha mẹ chúng ta lấy nhau, ông bà thường có câu chúc đôi trẻ “Tương kính như tân”. Những tưởng xã hội hiện đại đã chen chân vào các giá trị truyền thống, nhưng theo các chuyên gia, bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình từ xưa đến nay vẫn gói gọn trong những hệ giá trị chưa bao giờ thay đổi. 
Vợ chồng phải là người nhóm lửa
Tại buổi tọa đàm Bí quyết giữ lửa hạnh phúc do Nhà Văn hóa Phụ nữ tổ chức, các chuyên gia TS Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Khoa Tâm lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Th.s Hà Trung Thành - giảng viên Học viện Cán bộ TPHCM phác họa đề tài muôn thuở bằng những  gạch đầu dòng cho gia đình hiện đại. 
Đầu tiên là giai đoạn tiền hôn nhân: để đi đến quyết định kết hôn với một ai đó, đồng nghĩa với việc bạn đã đủ yêu thương và tìm hiểu đủ nhiều để chấp nhận mọi điều về người sắp trở thành bạn đời này. Điều mà TS Bích Hồng ví von là: “Từ đầu phải có lửa thì mới gìn giữ được lâu dài”. Đây chính là tiền đề vững chắc cho hôn nhân trước những sóng gió sau này. 
Thứ hai là kế hoạch cho tương lai, những cam kết về nuôi dạy con, chi tiêu trong gia đình, việc ai giữ tiền, chăm sóc gia đình hai bên... Đa phần, các bạn trẻ ngày nay vẫn còn tư tưởng nước đến đâu theo đến đấy, đợi đến khi có con mới bắt đầu thấy căn nhà quá nhỏ, đến khi con đi học mới lo chọn trường, ngay cả khi kinh tế có eo hẹp hay dư dả. Việc thiếu hụt những cam kết ban đầu cũng là nguyên nhân nảy sinh những mâu thuẫn. 
Thứ ba là quan niệm: “Dâu là con, rể là khách”, dẫu thời nay đã khác xưa nhiều, vợ chồng trẻ có xu hướng mong muốn ra riêng tạo thành gia đình hạt nhân hoặc mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái không còn là mâu thuẫn một chiều. Tức là đã có trường hợp bố mẹ chồng nhìn sắc mặt con dâu hoặc con rể để giữ ý và ngược lại.  Về chủ đề này bạn Ngọc Hương, sinh viên Trường Đại học Văn Hiến chia sẻ, vì là vợ chồng trẻ, thời gian đầu cả chồng và chị đều có những đụng chạm với gia đình hai bên. Những lúc như vậy, cơn giận nguội nhanh khi chồng chị bảo “Dù sao cũng là mẹ của xã mà, vợ thương xã thì thương luôn mẹ nha”. Và khi chồng chị có chuyện không vui với gia đình vợ, chị lại lặp lại câu đó với chồng như một bài thuốc dân gian chưa bao giờ hết tác dụng. 
Cô Phạm Thị Lan Hương, phường 15, quận 10 lại đóng góp một câu chuyện khác của riêng mình: “Nhà tôi có 2 con trai. Một ở chung với vợ chồng tôi, một sang nhà vợ ở rể. Chuyện tiền bạc tụi nó phân chia sao tôi không can thiệp, nhưng đứa nào muốn cho tiền ba mẹ, hoặc khi tôi cần đến một khoản tiền nào đó, dù xin hay vay, tôi vẫn luôn bắt con dâu và con rể là người đưa khoản tiền đó cho mình. Bởi chính bản thân vợ chồng tôi đã từng mâu thuẫn vì tiền cho cha anh cha em, nên ngày nay, làm cha làm mẹ, tôi muốn các con công khai chuyện tiền bạc với bạn đời”.  
Chia sẻ của cô Hương được TS Bích Hồng kết luận thành bí quyết thứ 4, đó chính là tôn trọng và đặt mình vào vị trí của người khác.  Đặt mình vào vị trí của con để không áp đặt vô cớ, đặt mình vào vị trí của cha mẹ để hiểu rằng, ai rồi cũng sẽ già và người già thì cần điều gì ở các con, đặt mình vào vị trí của bạn đời, để tha thứ và thấu cảm những khó khăn cùng nhau. 
Yêu thương như thuở ban đầu
Th.s Hà Trung Thành tiếp tục đặt ra câu hỏi cho hội trường: “Có bao giờ các bạn xao xuyến bởi một ai đó khác?”. Lác đác vẫn có người thành thật trả lời là có. Rõ ràng, khi chúng ta đang sống trong một chuỗi liên kết giữa các mối quan hệ mở, một người có cơ hội hoặc hoàn cảnh phải gặp gỡ nhiều người khác giới có cùng công việc, mục đích sống hay sở thích... điều gì sẽ khiến chúng ta vẫn ở lại bên người bạn đời của mình. 
Đó chính là cái ôm bất chợt của người chồng khi vợ đang loay hoay bếp núc, là những lúc con ốm đau, hay chính mình bệnh tật, là thuở hàn vi ao ước mua tặng nhau một chiếc áo đẹp... nếu những cảm xúc đã từng đủ nhiều và không nhạt phai theo năm tháng thì dù có sóng gió ập qua, ngôi nhà của bạn vẫn vững vàng. 
Th.s Hà Trung Thành trích dẫn câu thành ngữ “Tương kính như tân” của ông bà xưa để cho thấy những bí quyết giữ lửa hạnh phúc gia đình từ xưa đến nay vẫn không có gì thay đổi. “Yêu thương và kính trọng như ngày mới chớm hẹn hò chính là những mối dây vô hình nối kết gia đình bạn. Đừng bao giờ “tạm hoãn” yêu thương và nghĩ đó là những thứ cao siêu khó tìm. Chúng ta luôn mong muốn gia đình mình hạnh phúc, nhưng đôi lúc, chúng ta lại vô thức làm điều ngược lại. Người chồng mải miết kiếm tiền để có thể mua cho vợ con những thứ đắt giá; nhưng đến khi mua được, hiệu lực của chúng lại không bằng một cành hồng ngày xưa, người vợ lao vào công việc muốn gia đình sớm ngày sung túc, nhưng đến khi nhà chẳng thiếu thứ gì lại thiếu người quây quần bên mâm cơm. Đôi lúc chúng ta nghĩ, hạnh phúc là những thứ cao siêu, mà quên rằng, một nụ cười buổi sáng, một cái chạm nhẹ cảm thông, một cái siết tay thật chặt, một ánh mắt nhìn trìu mến, một lời trách móc vu vơ, chưa bao giờ thôi hết đáng yêu, ngay cả khi bạn đã ở tuổi xế chiều.

Tin cùng chuyên mục