Để có được sản phẩm văn hóa này, từ 2 năm trước, Nhà xuất bản (NXB) Trẻ với đại diện khi đó là ông Nguyễn Minh Nhựt đã cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trực tiếp sang Nhật gặp gỡ đối tác và trao đổi trực tiếp với 2 dịch giả là cô Hiromi Ito và Sakae Kato để “tiếp thị văn hóa” và thương thuyết bản quyền.
Và mất 2 năm, người Nhật mới cầm được trên tay cuốn sách 350 trang, giống như được nếm trải vị Umami (vị ngọt, vị tinh tế), một vị giác thứ 6 được người Nhật phát kiến, góp thêm viên gạch cho nhịp cầu hữu nghị hai nước.
Nhưng Umami cũng sớm qua đi, khi người Việt nếm trải vị đắng từ sân nhà với việc ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, đích danh đứng ra khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada có hành vi chứa chấp, tàng trữ, phát tán sách lậu, sách giả làm các đơn vị hoạt động trong lãnh vực xuất bản thiệt hại nặng nề. Đây không phải lần đầu ông Phước lên tiếng vì năm nào… ông cũng xin phép họp báo lên tiếng báo động về tệ làm sách giả, sách lậu, mà mới nhất là vào năm ngoái ông chỉ đích danh 33 trang web kinh doanh sách, để rồi mọi chuyện “vũ như cẩn”, chờ họp báo năm sau. Câu hỏi đặt ra: trách nhiệm thuộc về ai và có hay không hiện tượng quả bóng lăn đi lăn lại nhất quyết không chịu chui vào lưới? Cần biết một cuốn sách như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, nếu in, phát hành hợp pháp phải mất vài tháng chờ thẩm định phê duyệt của các cấp quản lý, rồi vấn đề tài chính phát sinh như thương thảo tác quyền, chi phí quản lý, biên tập, thuê họa sĩ trình bày… Nghĩa là một cuốn sách đến tay bạn đọc đã phải cõng đủ “trách nhiệm” trên đời, 100 đồng giá bìa phải mất 95 đồng cho các chi phí và NXB hay công ty sách chỉ còn thực lãi 5 đồng nhỏ nhoi. Trong khi sách lậu “vô tư” vượt rào, không phải chịu tác quyền, không chịu tiền chiết khấu phát hành (30 - 40% giá thành), không chịu tiền lương chi trả cho đội ngũ cả trăm người của NXB.
Trên cả nước, gần như ở tỉnh thành nào cũng có “tụ điểm” bán sách lậu với giá giảm sâu tới 80% như Hà Nội có phố Nguyễn Xí - Đinh Liệt khét tiếng, ai cũng biết, cũng mua, trừ cơ quan chủ quản là quản lý thị trường và công an văn hóa là không biết, không thấy. Đáng chú ý là với sự phát triển của công nghệ, sách lậu, sách giả hiện tại đã biến hình như phim Hollywood về người máy, giống hệt sách thật, sách có bản quyền cả về giấy in lẫn chất lượng “xào nấu”. Thời công nghệ 4.0, nguy hiểm hơn nữa là sự phát tán trong môi trường số như căn bệnh nan y chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Nhiều trang web nhân danh “bất vụ lợi, chia sẻ miễn phí vì cộng đồng” đã tung ra hàng ngàn cuốn sách ebook cho đọc và tải miễn phí với nhiều định dạng mobi, epub, pdf… Còn nếu không nghe mà thích cầm tay sách còn “thơm mùi mực” thì đã có “sách tinh hoa”, “mọt sách”, “sách hay, giá rẻ”… mang đến trải nghiệm của thế giới thực. Chỉ cần đọc sách thật dùng để quảng cáo trên các trang web và sàn giao dịch điện tử rồi đặt ship là bạn có ngay sách lậu giá như cho. Đúng là “ngon, rẻ, bổ” mà vẫn được tiếng là “người có văn hóa uyên thâm”!?
Có người tặc lưỡi, khó trị thì mình cứ “chung sống với sách giả” như sống chung với hàng giả bày bán ở khắp chốn. Nhưng đây là giải pháp yếm thế, không nên có và không thể có trong một đất nước pháp trị, văn minh. Tuy không dám khẳng định là có sự “chung chi” giữa các trùm sách lậu và cơ quan chức năng nhưng vẫn có sự liên tưởng không mấy thú vị về cách hành xử chung. Như vài năm trước, một đơn vị xuất bản kiện ra tòa vụ in lậu 10.000 cuốn sách của một cơ sở in gia công, song sau một hồi “thăng đường” thì tòa án tuyên bị can vô tội với lý do “bị bắt trước khi tung ra thị trường”. Và hết, bên kiện thua, phải nộp tiền luật sư, án phí. Đúng là “con kiến mà kiện củ khoai” khi người ta định lượng sách tuy giá trị còn thua xa các mặt hàng khác nhưng vẫn là “mặt hàng siêu lợi nhuận” khi nhà nước mất khoản thu thuế cả trăm tỷ đồng. Và cũng lạ là khi chúng ta có đủ Luật Xuất bản, Bộ luật Dân sự, ký Công ước Berne về quyền tác giả mà không thể khép tội hình sự “làm sách giả” với bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào. Trên thực tế, nặng lắm - với sách lậu, sách giả, chúng ta chỉ phạt hành chính ở mức 30-40 triệu đồng và điều đó là không đủ sức răn đe tội ác.
Và mùi vị Umami bỗng biến mất tăm, chỉ còn vị đắng đầu lưỡi…