WSF – Sợi dây liên kết xã hội toàn thế giới

Diễn đàn Xã hội châu Âu lần thứ 4 (ESF) đã kết thúc sau 4 ngày nhóm họp ở Helennikon (gần trung tâm thủ đô Athens, Hy Lạp) với sự tham dự của khoảng 30.000 người.

Trong 4 ngày này, các đại biểu đề cập đến các đề tài truyền thống của toàn cầu hóa như trợ giúp phát triển, thỏa hiệp tài chính và chống lại thực phẩm biến đổi gen và nhất là các cuộc tuần hành phản đối cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan...

Ngay từ đầu, các nhà tổ chức hy vọng diễn đàn lần này là cơ hội để bắt kịp thời cơ bị bỏ lỡ ở London hồi năm 2004, khi mà hầu như mọi người lúc đó chỉ bàn chuyện Tổng thống Mỹ G.W.Bush và cuộc chiến Iraq. Họ muốn nhân cơ hội này vẽ lại chu vi của một “châu Âu mới”, xã hội hơn.

Quả thật, tổng cộng đã có hàng chục hội thảo với 210 chương trình nghị sự xoay quanh cải tổ Liên minh châu Âu (EU), về Hiến pháp chung, về chính sách nhập cư… ESF năm nay cũng là lần đầu tiên có sự tham dự của các phái đoàn đến từ vùng Balkans và các nước Đông Âu.

Trước đây, nhiều người cho rằng phong trào chống toàn cầu hóa cần tập trung ở khu vực Đông và Nam Âu cũng như vùng Địa Trung Hải (vốn rất ít được dự ESF), trong khi họ lại là những nạn nhân đầu tiên của tự do hóa và thường bị bỏ bên lề các hội thảo khu vực.

Có đại biểu cho rằng xét về mặt nào đó, ESF nói riêng, Diễn đàn xã hội thế giới (WSF) nói chung ngày càng có thành công nhất định vì ngay từ đầu, các phương tiện truyền thông không định đăng tải tin tức về diễn đàn nhưng rồi cuối cùng đã thông tin rộng khắp.

Ông Bernard Cassen, một trong những nhà sáng lập của WSF và ESF khẳng định, các diễn đàn dạng này còn rất cần thiết, nhất là tại những lục địa hay quốc gia quy tụ nhiều phong trào xã hội. Diễn đàn Porto Alegre (năm 2001) đã đóng góp nhiều cho công cuộc thống nhất các phong trào ở khu vực Mỹ Latinh, nhất là các phong trào của người bản địa, góp phần mang lại thành công của các tổng thống Evo Morales (Bolivia) và Lula (Brasil).

Hay như chiến thắng của đảng Quốc đại ở Ấn Độ cũng có phần đóng góp của WSF ở Bombay (năm 2004). Ở châu Âu cũng có nhiều cuộc chiến chống đói nghèo, toàn cầu hóa… có đóng góp của phong trào xã hội các nước. Mặc dù còn nhiều chỉ trích, nhưng những người tham dự đều thừa nhận ESF có ưu điểm là khả năng kết nối các thành viên của nhiều quốc gia khác nhau cùng phối hợp hành động.

Tuy nhiên, ông Cassen cũng nói thêm rằng không nên chỉ hy vọng vào diễn đàn mà phải biến lời nói thành hành động. Những ý tưởng trên giấy tờ cần được chuyển hóa thành thực tiễn chính trị, giữa phong trào xã hội và quyền lực. Nhưng dù sao diễn đàn cũng đã giúp nhiều người gần nhau hơn để cố gắng tìm tiếng nói chung, thể hiện mong ước vì nền công bằng hơn cho xã hội.

Lê Vân (Theo RFI, Libération)

Tin cùng chuyên mục