Xây dựng con người Việt Nam trong thế kỷ 21

Xây dựng con người Việt Nam trong thế kỷ 21

Có thể nói, ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Đảng ta đã chú trọng đến nhân tố con người, xem vấn đề xây dựng con người Việt Nam mới vừa là mục tiêu vừa là chủ thể của sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cũng ngay từ đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra tư tưởng về chiến lược con người, xem tư tưởng văn hóa là một mặt trận, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, quan tâm xây dựng sự nghiệp văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ nhằm phát huy nguồn lực con người, xem đó là nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Qua các kỳ đại hội, nghị quyết của Đảng đều chú trọng đến vấn đề này, nhất là chủ trương quan trọng của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được mở rộng từ trong Đảng ra ngoài nhân dân và thu được nhiều thành quả bước đầu.

Tuy nhiên, về vấn đề có tầm chiến lược này, từ nhận thức lý luận đến thực tế thực hiện còn một khoảng cách rất xa. Sức ép của cuộc sống làm cho Đảng, nhân dân ta phải tập trung sức lực và trí tuệ vào công cuộc đổi mới về kinh tế nhằm giải phóng sức sản xuất xã hội, tăng thêm của cải, hàng hóa, thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của đất nước và của nhân dân về đời sống vật chất. Khó khăn và khủng hoảng kinh tế ở hai thập niên cuối thế kỷ 20 có tác động mạnh về tâm lý và tinh thần trong Đảng và trong nhân dân. Nỗi lo đói nghèo và tụt hậu về kinh tế thường xuyên ám ảnh chúng ta. Cộng thêm vào đó, thiên tai hàng năm cùng với mối đe dọa về biến đổi khí hậu, về tàn phá môi trường làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy lo lắng, nhức nhối. Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm, luôn luôn choán hết lo toan của chúng ta từ trong Đảng đến ngoài dân. Vì vậy, tuy nêu vấn đề con người thành vấn đề chiến lược, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, song mọi sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân chưa phải ở mức cao nhất, quyết liệt nhất. Giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề đời sống vật chất với chăm lo xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng con người Việt Nam tiên tiến, tốt đẹp, trên thực tế còn một sự chênh lệch rất lớn. Trong các cuộc sinh hoạt Đảng, đã có các vị cách mạng lão thành lên tiếng cảnh báo: Đảng ta chỉ lo phát triển kinh tế mà không lo cải tạo xã hội và xây dựng con người? Đến một lúc nào đó, sự mất cân đối đó sẽ gây tai họa.

Xây dựng con người mới thế kỷ 21 phải bắt đầu từ thế hệ mầm non. Ảnh: T.L.

Xây dựng con người mới thế kỷ 21 phải bắt đầu từ thế hệ mầm non. Ảnh: T.L.

Có thể thấy, sự lo lắng trên đây rất có cơ sở. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống từ trong Đảng, Nhà nước đến ngoài xã hội, nhân dân, các tệ nạn xấu trở thành thường xuyên và bất trị. Tuy đời sống vật chất trong các tầng lớp nhân dân đều có cải thiện song niềm phấn khởi, niềm tin tưởng trong nhân dân có phần giảm sút. Kinh tế dĩ nhiên không thể phát triển bằng đạo đức. Song dưới chế độ chúng ta, khủng hoảng về đạo đức có thể gây ra khủng hoảng về kinh tế. Tôi đã từng lấy ví dụ từ khủng hoảng của Vinashin. Tình trạng đổ vỡ ở đây là do xây dựng Đảng, xây dựng con người ở đây thất bại. Tai họa này cũng đang tiềm ẩn ở khắp nơi, trong các lĩnh vực xây dựng đất nước của chúng ta, từ kinh tế đến chính trị, đến văn hóa. Ngay các lĩnh vực hoạt động thường có sứ mệnh cao quý là chăm lo cho đời sống tinh thần đạo đức của con người như văn học - nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, tư tưởng - văn hóa, những cái tiêu cực vẫn chiếm thượng phong so với những cái tích cực, người xấu, việc xấu đâu đó vẫn lấn át người tốt, việc tốt.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và bao cuộc vận động khác về xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa, văn minh từ cơ sở đến các ngành các cấp vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi niềm tin của con người vào sức mạnh của những điều tốt đẹp có phần suy giảm. Tệ hại nhất, đáng lo nhất là điều này lại diễn ra trong nhà trường, trong hệ thống giáo dục quốc dân vốn là những nơi được xem là các lò luyện nhân cách cao quý, tốt đẹp của con người từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Những cái xấu của xã hội truyền vào nhà trường, của người lớn nhiễm vào con trẻ.

Tóm lại, nhìn lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng thứ IX và X, sự phát triển kinh tế của chúng ta tuy đạt được những bước tiến đầy ấn tượng, kể cả đối với sự quan sát từ nước ngoài, song đi đôi với sự phát triển kinh tế đó, cuộc khủng hoảng về xã hội và văn hóa, tức là cuộc khủng hoảng về con người Việt Nam trong bối cảnh thiên nhiên và lịch sử hiện tại, còn dồn dập nhiều thách thức bên cạnh rất ít thời cơ.

Đại hội Đảng lần thứ XI cùng với cương lĩnh mới của Đảng trong thế kỷ 21 chắc chắn sẽ chỉ ra được các thành tựu lớn lao và các vấn đề gay gắt của đất nước khi bước vào thập niên 2011-2020. Chắc chắn Đảng sẽ đề ra được chiến lược mới cho sự phát triển của đất nước trong đó nhất định phải thực hiện cho được sự cân đối giữa phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội, giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển tư tưởng văn hóa, đặc biệt chiến lược xây dựng con người Việt Nam thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến tới một nước Việt Nam phát triển toàn diện vào năm 2020, ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” như trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) đã nêu lên. Không có sự phát triển đó của con người Việt Nam, sẽ không có cái gì gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản. Nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình, lý tưởng cao cả của mình, mặc dù nó được một con người cao cả và tốt đẹp nhất của dân tộc và của thời đại sáng lập ra. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng của Người, giản dị như chân lý: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”

Tháng 11-2010

GS-NGND TRẦN THANH ĐẠM

Tin cùng chuyên mục