Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Việc thay đổi trong cách làm, cách xây dựng thương hiệu đã và đang giúp sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) khẳng định được giá trị cũng như chất lượng trên thị trường.
Doanh nghiệp quảng bá sản phẩm OCOP tại một hội chợ
Doanh nghiệp quảng bá sản phẩm OCOP tại một hội chợ

Thay đổi từ những điều nhỏ

Được chính thức triển khai từ cuối năm 2018, tới nay, chương trình OCOP đã bước sang giai đoạn 2 và đạt được những kết quả nhất định. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến ngày 30-6-2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó, 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 42 sản phẩm đã được công nhận 5 sao. Tham gia chương trình này, nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp OCOP đã và đang thay đổi tư duy, thay đổi cách làm trong sản xuất, phát triển sản phẩm. Ghi nhận của phóng viên ở một số doanh nghiệp, HTX tại các tỉnh, thành như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM… cho thấy, các doanh nghiệp đã và đang có sự đầu tư theo chiều sâu để nâng chất sản phẩm OCOP, giúp sản phẩm tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Chẳng hạn như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi xuất khẩu thành công 3 sản phẩm OCOP, HTX đã nhanh chóng tập trung nâng cao chất lượng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường Mỹ. Bước đi này giúp HTX ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, sản lượng tăng 500% so với khi chưa có chứng nhận OCOP. Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ, sản phẩm OCOP giúp doanh thu của HTX tăng lên hàng tháng. Trong đó, chỉ tính riêng sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo, mỗi tháng HXT bán bình quân 2.000 chai, ngũ cốc đông trùng hạ thảo khoảng 5.000 hộp, trà đông trùng hạ thảo khoảng 20.000 hộp.

Tại TPHCM, theo chia sẻ của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP, tất cả sản phẩm đều chứng minh được xuất xứ, chất lượng và năng lực sản xuất; bao bì, nhãn mác đẹp, bắt mắt, phù hợp với xu hướng, yêu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP ngày càng mở rộng hơn. Đơn cử với Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc công ty, từ khi các sản phẩm được công nhận OCOP, kênh bán lẻ qua siêu thị tiếp tục được mở rộng và hiện hầu hết hệ thống siêu thị đều có sản phẩm của Xuân Nguyên.

Xúc tiến tạo đầu ra cho sản phẩm

Chọn hướng đi là sản phẩm OCOP, nhiều doanh nghiệp trên cả nước không chỉ hướng tới chỉ tiêu chất lượng OCOP mà còn sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tham gia chương trình OCOP hầu hết đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO 22000.

Đặc biệt, các chủ thể và doanh nghiệp có sản phẩm OCOP còn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại khi chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, thông qua các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp OCOP còn được tiếp cận với các nhà bán lẻ hàng đầu như Saigon Co.op, Central Retail, Aeon… và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các kênh bán lẻ này. Điển hình như Saigon Co.op gần đây đã liên tục ký kết các hợp tác với nhiều doanh nghiệp, HTX có sản phẩm OCOP ở Tây Ninh, TPHCM, Bình Phước…

Tháng 6-2023, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm của Tây Ninh với 35 đơn vị cung ứng, sản xuất đặc sản Tây Ninh như: rau rừng; gạo; bánh tráng; muối ớt, muối tiêu, muối tôm; mắm trái điều; hạt điều; bánh pía, tinh dầu tràm, rượu gạo truyền thống Bà Đen; cùi bưởi sấy, trà bưởi, rượu bưởi; dế sấy; dưa lưới, mãng cầu, xoài; các loại trà, yến hũ và rượu; sâm bố chính; nhang… Còn tại TPHCM, cuối tháng 6-2023, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 7 doanh nghiệp, HTX nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP như mắm và khô các loại, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP... được lên kệ siêu thị.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, Saigon Co.op luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ phát triển hàng Việt trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động này cũng hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương theo quy hoạch kinh tế chung, phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, thúc đẩy nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nhiều doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tại siêu thị của nhà bán lẻ này cho biết, được trưng bày sản phẩm tại các kênh siêu thị sẽ giúp sản phẩm của họ đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp.

Mục tiêu chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được xác định: đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Chương trình cũng ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể OCOP là doanh nghiệp; ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống các địa phương.

Tin cùng chuyên mục