Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm giúp người khuyết tật có điều kiện tiếp cận với xe buýt. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư phương tiện vận tải có thiết bị kỹ thuật để giúp người khuyết tật lên xe dễ dàng và bến xe có đường dẫn cho xe lăn lên xe buýt chưa được cải thiện…
Có mặt tại khu vực trước Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Thị Nghè (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) vào một buổi trưa cuối tháng 5, chúng tôi chứng kiến cảnh một người khuyết tật chống nạng lê từng bước chân khập khiễng từ dưới đất lên bậc thềm cửa xe đến toát cả mồ hôi để đi tuyến Bến xe miền Đông - Bến xe miền Tây.
Bên cạnh đó, hiện nay các trạm dừng, nhà chờ xe buýt bố trí trên các tuyến đường nội và ngoại thành TPHCM, khoảng cách từ mặt đường và lề đường còn khá cao gây khó khăn cho người khuyết tật đi xe lăn có thể thuận tiện lên xuống xe buýt.
Đối với một số trạm đã có nhà chờ phục vụ người khuyết tật lại bị một số người buôn bán hàng rong, xe ôm chiếm dụng khiến người khuyết tật không có chỗ đón xe như: nhà chờ trước cổng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5), nhà chờ trước Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Thị Nghè (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh)…
Theo ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM, hiện nay, trên địa bàn TPHCM mới chỉ có 4 tuyến xe buýt có hỗ trợ người khuyết tật đi xe lăn gồm: Tuyến Sài Gòn - Chợ Bình Tây (mã số 1), Bến xe miền Tây - Đại học Quốc gia TPHCM (mã số 10), Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm (mã số 6) và Bến xe Chợ Lớn - Củ Chi (mã số 94).
Riêng tuyến số 6 và 94 chỉ là xe sàn thấp chưa có thiết bị nâng xe lăn. Đến năm 2008, trung tâm đã đầu tư cải tạo các nhà chờ để phục vụ người khuyết tật đi xe lăn tiếp cận xe buýt như: nhà chờ trước Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trước Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Thị Nghè, trước Trung tâm Bảo trợ và dạy nghề người khuyết tật Hóc Môn.
Ngoài ra, thời gian qua, tại các vị trí trạm dừng xe buýt trên đường Lê Duẩn (quận 1), trung tâm đã tiến hành hạ lề để người khuyết tật đi xe lăn có thể lên xuống đón xe buýt. Hiện trung tâm đang lập các thủ tục để đầu tư mới 12 nhà chờ dành riêng cho người khuyết tật đi xe lăn tiếp cận xe buýt, cải tạo 12 vị trí nhà chờ xe buýt cũ để lắp đặt thêm phần dành riêng cho người khuyết tật đi xe lăn tiếp cận xe buýt trên đường Trường Chinh.
Ngoài ra, trong dự án thay mới 220 nhà chờ xe buýt, có bố trí khu vực cho người khuyết tật, tạo độ dốc cho xe lăn lên xuống, lắp đặt lan can, tay vịn… dự kiến đến cuối tháng 6 - 2011 sẽ hoàn thành.
Để giúp người khuyết tật tiếp cận với loại hình VTHKCC bằng xe buýt, hiện TPHCM đã có chính sách cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho người khuyết tật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP làm đầu mối tiếp nhận và chuyển cho Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM cấp thẻ cho người dân. |
Đình Lý