Xuất khẩu cá tra 2012: Lạc quan đi cùng nỗi lo

Năm 2012, ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức về việc thiếu nguồn nguyên liệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.
Xuất khẩu cá tra 2012: Lạc quan đi cùng nỗi lo

Năm 2012, ngành xuất khẩu cá tra của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức về việc thiếu nguồn nguyên liệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Hùng Vương (HVG), Trưởng ban xuất khẩu cá tra cho biết, dù kinh tế thế giới trong năm 2011 còn nhiều bất ổn, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm nhưng tổng sản lượng cá tra xuất khẩu vẫn tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Mỹ và EU vẫn là hai thị trường nhập khẩu chủ yếu cá tra của Việt Nam. Đặc biệt, nếu năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ ở mức 150 triệu đô la Mỹ, thì năm nay, tính đến thời điểm này đã đạt hơn 250 triệu đô la Mỹ, mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường đang nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Hiện thị trường Mỹ đang chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Một tín hiệu lạc quan hơn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ trong năm 2012 khi trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây, Hiệp hội Thủy sản quốc gia Mỹ (NFI) đã gửi thư ngỏ đăng trên Wall Street Journal phản đối việc người nuôi cá Mỹ tạo ra những rào cản vô lý với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. NFI đề nghị gỡ bỏ những rào cản phi thuế cho mặt hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam.

Tập trung vào mũi nhọn vốn là sở trường của mình về nuôi trồng, sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra và tôm, dự kiến năm 2012 HVG đạt doanh số 10.000 tỷ đồng, doanh số xuất khẩu đạt 300 triệu USD. Trong ảnh, một trong những vùng nuôi cá tra tại Bến Tre của HVG

Tập trung vào mũi nhọn vốn là sở trường của mình về nuôi trồng, sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra và tôm, dự kiến năm 2012 HVG đạt doanh số 10.000 tỷ đồng, doanh số xuất khẩu đạt 300 triệu USD. Trong ảnh, một trong những vùng nuôi cá tra tại Bến Tre của HVG

Các thị trường ở khu vực Nam Mỹ cũng được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2012. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt mức tăng trưởng tới 154,4%, kim ngạch 63,216 triệu đô la Mỹ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nhóm thị trường tăng trưởng tốt còn phải kể đến ASEAN, với mức tăng 45,4%, đạt 93,144 triệu đô la Mỹ. Trong đó thị trường Philippines có mức tăng 95%, đạt kim ngạch 21,146 triệu đô la Mỹ. Thị trường EU chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với 452,2 triệu đô la Mỹ, tăng 3% so với 10 tháng đầu năm ngoái.

Tương tự, ở thị trường Nga, theo ông Minh, sản lượng cá tra xuất khẩu từ đầu năm đến nay ước đạt hơn 60 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga cũng tăng trưởng tốt, với mức tăng 30% so với năm 2010. “Lâu nay, thị trường Nga vẫn còn vướng mắc về khâu thanh toán. Đó là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam ngại tiếp cận. Nếu trong năm 2012, khâu thanh toán được giải quyết tốt, thị trường Nga sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn”, ông Minh nói.

Về giá, nhiều doanh nghiệp cũng bán được cao hơn 25% so với năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2010 chỉ đạt 1,3 tỷ đô la Mỹ, trong khi đến ngày 15-11-2011, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm nay đã đạt 1,5 tỷ đô la Mỹ. So với mục tiêu đặt ra cho năm 2011 của VASEP, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã tăng hơn 300 triệu đô la Mỹ. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt hơn 1,6 tỷ đô la Mỹ. Đây là kết quả khả quan cho ngành xuất khẩu cá tra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang trong tình trạng suy thoái.

Dù dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2012, nhưng song song đó nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Nỗi lo lớn nhất vẫn là thiếu hụt nguồn nguyên liệu khiến giá tăng cao, gây khó khăn cho chế biến xuất khẩu. Hiện giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua ở mức 29.000 đồng/ki lô gam đối với cá tra thịt trắng. Đối với cá có trọng lượng từ 0,8-1,5 ki lô gam/con (được các nhà nhập khẩu ưa chuộng), một số công ty mua với giá trên 29.000 đồng/ki lô gam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu có thể kéo dài đến đầu năm 2012, khiến nhiều nhà máy chế biến không thể hoạt động hết công suất. Tình trạng nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi cá tra cũng là một thách thức lớn. “Doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm giải pháp cho vấn đề này trong năm tới. Bởi dưới áp lực của lãi suất, thức ăn thủy sản biến động liên tục, nhiều hộ nuôi đã mất kiểm soát. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cá tra để chế biến xuất khẩu trong năm tới khá rõ ràng”, một chuyên gia trong ngành phân tích.

Một thách thức nữa là khả năng thâm nhập của các doanh nghiệp trong chuỗi thương mại ngành cá tra vẫn còn khá thấp. Hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đủ khả năng bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu. Đây là một bất lợi của ngành xuất khẩu cá tra trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng này.

Trong chuỗi giá trị của ngành xuất khẩu cá tra, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chỉ dừng ở mức bán hàng đến nhà nhập khẩu. Trong khi đó, khoảng cách lợi nhuận từ việc bán hàng cho nhà nhập khẩu đến những nhà phân phối sỉ lớn thường chênh nhau từ 5-10 lần. Chưa kể những mặt hàng chế biến nếu bán được trực tiếp vào các hệ thống siêu thị bán lẻ, nhà hàng, khách sạn thì giá trị xuất khẩu còn tăng lên nhiều lần.

Chủ động khép kín từ vùng nguyên liệu nuôi trồng, chế biến thức ăn đến sản xuất ra thành phẩm xuất khẩu, Hùng Vương là đơn vị đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận Global GAP và ASC (WWF)

Chủ động khép kín từ vùng nguyên liệu nuôi trồng, chế biến thức ăn đến sản xuất ra thành phẩm xuất khẩu, Hùng Vương là đơn vị đầu tiên của cả nước đạt chứng nhận Global GAP và ASC (WWF)

Theo “Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online"

Tin cùng chuyên mục