Bao giờ nguồn nhân lực thoát cảnh thừa nhưng vẫn thiếu?

Thị trường lao động nước ta đang thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng thực hành, nhân lực chất lượng cao, cùng với việc năng suất lao động không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, công tác đào tạo lại đang trong tình trạng thừa nhưng thực tế… lại thiếu. Cùng với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mối lo lãng phí và tụt hậu trình độ lao động ngày càng báo động.

Số lượng sinh viên thất nghiệp vẫn quá cao

Nhìn vào thực tế công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), nhiều người cho rằng đó là những thông tin mang tính chất “nổ”. Trường nào cũng công bố có từ 80% - 100% số sinh viên ra trường có việc làm. 

GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết: Tình trạng lao động có trình độ ĐH, CĐ và trung cấp thất nghiệp cao hiện nay đang là vấn đề của Việt Nam.

Ngày 18-9-2018, Bộ LĐTB-XH cho biết trong quý 2-2018, cả nước có số người thất nghiệp trình độ ĐH là 126.900 người, chiếm 2,47%, có giảm 15.400 người so với quý 1-2018.

Mặc dù đây là một tín hiệu được bộ đánh giá là đáng mừng, tuy nhiên số lao động trình độ ĐH thất nghiệp đến nay vẫn được đánh giá là quá cao, ở mức báo động.

Ngoài hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp nói trên, còn có 70.800 người trình độ CĐ cũng chưa có việc làm. Mặc dù tình trạng thất nghiệp còn cao, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động, cho thấy có sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu trong thị trường lao động.

Bao giờ nguồn nhân lực thoát cảnh thừa nhưng vẫn thiếu? ảnh 1 Ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thì sinh viên rất cần tăng cường năng lực ngoại ngữ
Thông tin gần nhất cho thấy có 41% doanh nghiệp không đủ khả năng tuyển dụng lao động tay nghề cao, dù rằng trong vòng 3 tháng đầu năm 2018, số lượng tìm kiếm công việc tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. 

Dẫn chứng thêm về vấn đề trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TPHCM, cho rằng: Những tỷ lệ sinh viên có việc làm đẹp như mơ của các trường cũng là một vấn đề.

Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp. Riêng tại TPHCM, năm 2014-2017, so sánh với giai đoạn trước năm 2010 thì số lượng nhân lực được đào tạo ĐH tăng trên 2 lần (70.000/30.000 người hàng năm), trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ ĐH khoảng 40.000 chỗ làm việc/năm. 

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo chưa gắn liền với sử dụng lao động thể hiện qua khoảng cách quá lớn giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường là vấn đề rất cần phải giải quyết, nếu không có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng sau: Thứ nhất, dẫn đến một sự lãng phí rất lớn cho xã hội về nguồn lực đào tạo, tuyển dụng. Thứ hai, một trong những hệ quả của việc đào tạo nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa gắn liền với việc sử dụng nguồn nhân lực đó là năng suất lao động thấp. Năm 2017, năng suất lao động của nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng của năm 2016 là 5,29% (thấp hơn 15 lần so với Singapore, 6 lần so với Malaysia, 3 lần so với Thái Lan…). 

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, hiện có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành. Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp là không bình thường, vì họ là nguồn nhân lực có trình độ cao. Đó là sự thất bại của thị trường lao động. 

Giải pháp nào?

GS-TS Nguyễn Đông Phong cho rằng để giải quyết bài toán thất nghiệp, cần có nhiều giải pháp tổng thể chứ không thể riêng lẻ. Có 6 giải pháp mang tính lâu dài và định hướng: Phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn; chuyển đổi cơ cấu đào tạo và điều chỉnh chương trình đào tạo; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng, phát triển các trung tâm, cơ sở cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp; tạo cơ chế khuyến khích sự cộng tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong các mảng tư vấn và chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học. 

Phân tích thêm về giải pháp, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH), nhận định: Phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn là rất quan trọng.

Hiện nay, khả năng dự báo và phân tích thị trường lao động của Việt Nam được đánh giá là kém chính xác, bởi vì thiếu cơ sở dữ liệu đầy đủ về thị trường lao động cũng như thiếu sự kết nối thông tin về thị trường lao động giữa các tỉnh, thành phố.

Tình hình trên cho thấy, cần phải cập nhật liên tục hệ thống cơ sở dữ liệu lao động và hệ thống phân tích dự báo về thị trường lao động, phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn từ 5 năm trở lên. Qua đó, các cơ sở đào tạo có thể có những chiến lược phù hợp về đào tạo để đón đầu đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động. 

Theo đại diện một số trường, giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ của người học trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục ngày càng đóng vai trò tất yếu. Năng lực ngoại ngữ của người học còn hạn chế hiện nay cũng là nhân tố làm gia tăng khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Khi năng lực ngoại ngữ của người học bị hạn chế, các cơ sở đào tạo sẽ rất khó triển khai các chương trình học tiên tiến mang tính quốc tế hóa, người học cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận kiến thức mới từ môi trường bên ngoài và cũng như vận dụng kiến thức đã học từ nhà trường vào thực tế trong tương lai.

Nhiều trường còn cho rằng nên đưa doanh nhân vào dạy để kết hợp được lý thuyết với thực tiễn. Ngược lại, bản thân giảng viên cũng cần đến doanh nghiệp để tự cập nhật thực tế cho bài giảng của mình. Như vậy, nhà trường và sinh viên mới biết doanh nghiệp cần gì để đáp ứng. Chỉ như thế thì tỷ lệ sinh viên có cơ hội việc làm và khả năng thành công mới cao hơn.

Khảo sát của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TPHCM, từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp tại TPHCM trong năm 2016-2017 cho thấy, người có trình độ ĐH (số lượng bằng cả trình độ CĐ và trung cấp cộng lại) có việc làm chỉ đạt 82,76%, CĐ 85%, trung cấp 90%. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ học sinh chọn học ĐH lại cao ngất ngưởng. Năm 2018, tỷ lệ chọn học ĐH của học sinh TPHCM là 87%, CĐ là 7%, trung cấp 6%.

Tin cùng chuyên mục