Chế tài hành vi in ấn, buôn bán sách giả

Hành vi in ấn và buôn bán sách giả đang có xu hướng phát triển ngày càng tinh vi với quy mô lớn. Sách giả đang được bày bán tràn lan ở vỉa hè và trong hiệu sách tại nhiều địa bàn. Thực tế chế tài xử phạt các hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Có thể hiểu sách giả là bản sao được in ấn, phát hành mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi này vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009. Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã quy định phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số, hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này. Như vậy, ngoài bị xử phạt đối với hành vi in giả, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể đối mặt với chế tài hình sự. Cụ thể, tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, quy định về tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó quy định các hình thức phạt tiền lên đến 3 tỷ đồng, phạt tù lên tới 3 năm.

Trong thực tế hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở việc sao chép nội dung tác phẩm, mà còn sao chép cả bìa sách, bao gồm logo, tên của các nhà xuất bản. Như vậy, việc in ấn, buôn bán sách giả không chỉ xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm, mà còn xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại của nhà xuất bản theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Hành vi sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ, tên thương mại được thể hiện trên các cuốn sách bị in giả xâm phạm và ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, trong trường hợp này chính là các nhà xuất bản. Tùy vào mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quy định mức phạt tiền đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, xâm phạm tên thương mại lên tới 500 triệu đồng đối với tổ chức, 250 triệu đồng đối với cá nhân, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, với mức phạt tù lên đến 3 năm, phạt tiền lên tới 5 tỷ đồng.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản 2012, hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm là hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản. Điều 27 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định hành vi in lậu, in giả sẽ bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng, phụ thuộc vào số lượng ấn phẩm in giả, in lậu.

Hành vi in lậu, in giả còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, với hình thức phạt tiền từ 20 - 200 triệu đồng và hình thức phạt tù đến 5 năm.

Tin cùng chuyên mục