Chế tài việc phát chương trình gây tổn hại danh dự người khác

Nhằm “câu view”, “tạo scandal”, một số chương trình truyền hình được phát sóng đã khai thác bí mật đời tư của khách mời, khiến tổn hại danh dự và uy tín của những người có liên quan. Pháp luật quy định chế tài như thế nào đối với những trường hợp này?
Lê Giang khóc khi chia sẻ với Trấn Thành trong "Sau ánh hào quang" có nhắc đến chuyện bị chồng cũ là diễn viên hài Duy Phương "liệng từ cầu thang xuống" đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của ông. Ảnh: ĐÔNG TÂY PROMOTION
Lê Giang khóc khi chia sẻ với Trấn Thành trong "Sau ánh hào quang" có nhắc đến chuyện bị chồng cũ là diễn viên hài Duy Phương "liệng từ cầu thang xuống" đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự của ông. Ảnh: ĐÔNG TÂY PROMOTION
Hiện nay, pháp luật cho phép các đài truyền hình với tư cách là đơn vị có giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước được quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về đối tác là tổ chức có pháp nhân thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để liên kết sản xuất một phần hoặc toàn bộ chương trình, kênh chương trình. 
Trong hoạt động liên kết này, theo Khoản 5 Điều 16 Nghị định 06/2016/NĐ-CP, đài truyền hình là đơn vị chịu trách nhiệm chính về nội dung của chương trình liên kết. Vì vậy, trong trường hợp phát sóng các chương trình liên kết có nội dung vi phạm quy định của pháp luật báo chí, thì đài truyền hình chính là chủ thể phải chịu trách nhiệm.
Trong lĩnh vực báo chí, việc tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Khoản 5 và Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016. Hành vi này còn xâm phạm một trong các quyền cơ bản của công dân quy định tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015.
Về mặt hành chính, theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP, đối với hành vi “đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng” hoặc “tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Trường hợp “đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng” sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị thiệt hại về danh dự, uy tín do chương trình truyền hình được đài truyền hình phát sóng có thể yêu cầu tòa án buộc đài truyền hình vi phạm phải gỡ bỏ, cải chính bằng phương tiện thông tin đại chúng, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại.
Việc liên kết với các công ty truyền thông để sản xuất chương trình truyền hình là xu hướng chung của truyền hình thế giới. Tuy nhiên, các đài truyền hình trong nước cần nâng cao công tác kiểm duyệt, giám sát nội dung, chất lượng chương trình trước khi phát sóng để không gây ra các sự cố đáng tiếc.

Tin cùng chuyên mục