Bình luận chủ nhật

Chiến thắng này là của toàn dân (*)

Ngày 30-4-1975 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như bản anh hùng ca vĩ đại nhất, huy hoàng nhất, kết thúc cuộc trường chinh suốt 30 năm chống hai đế quốc xâm lược, hoàn thành trọn vẹn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Một chế độ sụp đổ nhưng Sài Gòn và các thành thị miền Nam còn nguyên vẹn. Từ nay “giang sơn thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà” như mong muốn của Bác Hồ để lại trong Di chúc, trước lúc Người đi xa.

Nhân dân Sài Gòn thay mặt cho nhân dân cả nước - kể cả kiều bào ở nước ngoài - hân hoan đón chào anh chiến sĩ giải phóng và cô du kích tự vệ nội thành, biểu tượng của lực lượng tổng tiến công và nổi dậy, những người làm nên đại thắng mùa xuân bất diệt, như chào đón những người thân yêu nhất với bao nụ cười và nước mắt, đúng như nhạc sĩ Xuân Hồng đã ghi trong ca khúc Xuân về trên thành phố Hồ Chí Minh: “Sau ba mươi năm ta mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”.

Cuộc hội ngộ đoàn viên trong ngày chiến thắng lịch sử, đã làm ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhiều phóng viên, ký giả phương Tây có mặt ở Sài Gòn đúng vào thời khắc thiêng liêng ấy. Họ chờ một cuộc “tắm máu” trả thù của người chiến thắng với kẻ chiến bại để viết bài, quay phim, chụp ảnh... Nhưng trước mắt họ, nhân dân Sài Gòn cùng anh chiến sĩ giải phóng tay bắt mặt mừng cùng nhau tắm dưới ánh nắng mùa xuân rực rỡ đất phương Nam.

Một phóng viên người Ý thốt lên: “Ôi, tôi không tin vào mắt mình. Đây không phải là một cuộc chiến, mà là một lễ hội liên hoan!”. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, chưa có cuộc kết thúc nào đẹp đến như vậy. Không ai phân biệt được người thắng kẻ thua, mà tất cả như hòa thành một khối là: dân tộc Việt Nam đã chiến thắng, và kẻ thua duy nhất là đế quốc Mỹ.

Từ ngày xưa đến nay, những kẻ mang quân xâm lược đất nước Việt Nam, bất kể chúng từ đâu tới, và dù chúng có bộ óc thông minh nhất, cũng không sao hiểu được sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam. Chúng đâu biết sức mạnh ấy bắt nguồn từ khi hình thành dân tộc Việt với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng sinh trăm con, năm chục theo cha xuống biển, thành nòi giống Rồng Tiên đời đời cát cứ trên mảnh đất này.

“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” cùng bốn ngàn năm văn hiến, đã tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt chống lại “thiên tai, địch họa” và bao giờ cũng chiến thắng vẻ vang, oanh liệt. Sức mạnh cũng bộc lộ rõ khi đứng trước họa xâm lăng đe dọa sự tồn vong của Tổ quốc, thì bao nhiêu sự lục đục, bất hòa trong nội bộ nhân dân bỗng dưng tan biến, để muôn người như hòa thành một khối “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không súng gươm thì dùng gậy gộc, cuốc, thuổng, cùng nhau đứng lên giết giặc cứu nước (Hồ Chí Minh - Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19-12-1946).

Có lẽ trên thế giới không một nước nào có khẩu hiệu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”. Mà đánh giỏi thật, từ Hai Bà Trưng, bà Triệu ngày xưa đến bà Định ngày nay, đều đã giáng những đòn làm bọn xâm lược phải “bạt vía kinh hồn”!

Sức mạnh tiềm ẩn trong dân tộc Việt Nam bắt nguồn chính từ mái ấm gia đình. “Nước mất thì nhà tan”, người dân Việt nào cũng hiểu như vậy. Nhưng nỗi khổ tâm nhất là của một bộ phận dân tộc ở trong vùng bị địch tạm chiếm trong hai cuộc kháng chiến.

Con em họ bị kẻ thù bắt đi lính cầm súng chống lại cách mạng, giết hại đồng bào, mà họ không sao ngăn chặn được. Nỗi đau còn nặng hơn khi có một thời cách mạng gọi họ là “gia đình ngụy quân ngụy quyền “. Nỗi đau ấy kéo dài qua năm tháng biết bày tỏ cùng ai, chỉ biết dặn con “đừng làm điều gì ác mà mang tội!”.

Đến khi cách mạng hiểu và thông cảm, trước khi có chính sách “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, gọi họ là “gia đình đau khổ”, thì họ hết sức xúc động, bởi cách mạng đã hiểu sâu sắc nỗi đau âm thầm chịu đựng của họ qua bao năm tháng. Và họ biết phải làm gì để đền đáp lại sự thông cảm “thấu tình đạt lý” ấy.

Những bức thư từ, những lời nhắn gởi, những buổi thăm con cái ở tiền đồn mặt trận, hay trong Bệnh viện Quân y Cộng Hòa... đã làm thức tỉnh lòng yêu nước trong tâm hồn những chàng trai lỡ lầm cầm súng cho giặc. Những cuộc binh biến, đào ngũ, rã ngũ tập thể, hoặc làm nội ứng cho quân giải phóng đã diễn ra trên các chiến trường - nhất là trong và sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 và mùa xuân năm 1975 - phải chăng có sự đóng góp của những “gia đình đau khổ” tạo ra?

Đây là sự thật lịch sử trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nó cũng chứng minh khi có chính sách đúng, nhìn nhận đúng vấn đề của Đảng, của cách mạng thì sẽ tạo ra sức mạnh như những cơn địa chấn lớn trong các “gia đình đau khổ” và họ cũng góp phần không nhỏ trong chiến thắng chung của dân tộc mùa xuân năm 1975.

“Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” đồng chí Tổng Bí thư anh Ba Lê Duẩn đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ đảng viên làm công tác lãnh đạo đừng bao giờ quên chân lý ấy. Sau ngày giải phóng, anh Ba bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất ôm hôn các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ra đón, anh Ba khẳng định: “Chiến thắng vĩ đại này là công lao của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng được Bác Hồ lãnh đạo và thế giới ủng hộ, tuyệt nhiên không phải của riêng ai. Lúc này ai kể công là có tội với Dân, với Đảng!” (Hồi ký Tố Hữu).

Lời tuyên bố của anh Ba là sự khẳng định chân lý của lịch sử về Đại thắng mùa xuân năm 1975, đáng để chúng ta suy ngẫm nhân dịp kỷ niệm lần thứ 32 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tháng 4 năm 2007

-------------------
(*) Lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Vũ Hạnh - Dương Linh

Tin cùng chuyên mục