Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu?

Bài 1: Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu - Vì sao sụp đổ?

Nguyên nhân chủ quan: Quan niệm giáo điều về CNXH

Lời tòa soạn: Từ ngày 29-6 đến ngày 5-7-2009 Báo SGGP đã đăng loạt bài viết “Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu?” của các học giả, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Đây là những bài viết có tính chất tham luận, trao đổi về một đề tài rất quan trọng nhưng cũng khá “nhạy cảm” - luận bàn về một học thuyết đã làm “đảo lộn” cả thế giới và vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của các ý thức hệ chính trị ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sau khi đăng báo, loạt bài viết đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến bày tỏ quan điểm của mình, có đồng tình hưởng ứng và có cả hoài nghi, phản ứng… Đặc biệt, có không ít học giả, giáo sư tiến sĩ, các nhà nghiên cứu chính trị - xã hội đã gửi bài viết tham gia, góp phần tiếp tục làm sáng tỏ chủ đề trên. Tuy nhiên, như đã thông tin, do khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi xin tạm dừng và hẹn sẽ tiếp tục vào thời điểm thích hợp… Để thực hiện lời hứa, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, bắt đầu từ số báo hôm nay, ngày 6-10-2009, Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp tục trở lại chủ đề trên. Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng loạt bài viết mà chúng tôi tập hợp đăng tải sau đây nhằm tiến tới một khẳng định: Học thuyết Mác - Lênin và CNXH - Xu thế phát triển tất yếu! 

Bắt đầu từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu đi vào thời kỳ khủng hoảng. Từ tháng 4-1989 đến tháng 9-1991, chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, tạo nên  “cơn chấn động” chính trị lớn nhất trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vấn đề đặt ra là vì sao chế độ XHCN lại bị thất bại ở Liên Xô và Đông Âu? Cho đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về hiện tượng lịch sử này, đưa ra nhiều nguyên nhân cả sâu xa và trực tiếp, cả bên trong và bên ngoài để cắt nghĩa, lý giải về sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu…

Nguyên nhân chủ quan: Quan niệm giáo điều về CNXH

Trước hết, là do quan niệm giản đơn, phiến diện quy luật về mối quan hệ giữa sản xuất và lực lượng sản xuất; cho rằng, có thể dùng ý chí cách mạng để xây dựng nhanh quan hệ sản xuất tiên tiến trên cái nền lực lượng sản xuất còn nhiều yếu kém và lạc hậu, và cho rằng, quan hệ sản xuất tiên tiến tự nó mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ.

Sau khi V.I.Lênin qua đời ở Liên Xô, chính sách kinh tế mới không được tiếp tục thực hiện mà chuyển sang kế hoạch hóa tập trung cao độ. Thời gian đầu, kế hoạch hóa tập trung đã phát huy tác dụng mạnh mẽ, song đã biến dạng thành kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Sau chiến tranh thế giới lần 2, Liên Xô vẫn tiếp tục duy trì mô hình này. Trong mô hình này đã tuyệt đối hóa, từ bỏ hay gần như từ bỏ một cách chủ quan duy ý chí nền kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường, thực hiện bao cấp tràn lan, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của người lao động.

Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, xây dựng năng lực cầm quyền của một chính đảng cách mạng sau khi giành được chính quyền chưa thực hiện đầy đủ, khiến Đảng không phát huy được vai trò của người lãnh đạo, người tổ chức nhân dân; vừa không phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội..., dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng, xa rời thực tiễn.

Một nguyên nhân chủ quan khác là đánh giá quá cao CNXH hiện thực và đánh giá quá thấp chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc; chủ quan nóng vội, đốt cháy giai đoạn trong việc hoạch định các bước đi của tiến trình xây dựng CNXH (như quan điểm của Liên Xô về “CNXH đã hoàn toàn thắng lợi”, “xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”, “CNXH phát triển”...), không thấy hết tính chất lâu dài, quanh co, phức tạp của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH.

Những sai lầm chủ quan nghiêm trọng kéo dài trên cản trở sự cải tổ, cải cách, đổi mới đúng đắn là nguyên nhân sâu xa làm chế độ XHCN suy yếu, rơi vào khủng hoảng. Đó không phải những sai lầm khuyết tật do bản chất của chế độ XHCN, mà do quan niệm giáo điều về CNXH.

Nguyên nhân trực tiếp: Lệch lạc về hệ tư tưởng XHCN và sự can thiệp từ bên ngoài

Một là, trong cải tổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc sai lầm rất nghiêm trọng về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là đường lối hữu khuynh, cơ hội và xét lại, thể hiện trước hết ở những người lãnh đạo cao nhất. Những tuyên bố ban đầu: “cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, nhiều CNXH hơn”, “chúng ta sẽ đi tới CNXH tốt đẹp hơn chứ không đi ra ngoài nó”, “chúng ta tìm trong khuôn khổ của CNXH chứ không phải ở ngoài giới hạn của nó những câu trả lời cho các vấn đề do cuộc sống đặt ra”..., rốt cuộc chỉ là những tuyên bố suông ngụy trang cho ý đồ phản bội.

Những người lãnh đạo cải tổ lùi dần từng bước, từng bước, thậm chí ngày càng công khai tuyên bố từ bỏ những mục tiêu XHCN mà họ từng hứa hẹn, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Bằng phát súng lệnh “công khai”, “dân chủ”, “không vùng cấm”, cải tổ đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phê phán, công kích, bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử 70 năm xây dựng CNXH, phủ định sạch trơn mọi thành tựu của CNXH. Nó gây hoang mang, xáo động đến cực độ trong tư tưởng xã hội, phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị của CNXH. Người ta sử dụng toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng để làm việc này và chiến dịch tuyên truyền, đào bới, phủ định quá khứ được các đài, báo phương Tây tiếp sức mạnh mẽ và lái theo những ý đồ, mục đích của phương Tây.

Hai là, chủ nghĩa đế quốc đã can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn, thực hiện được “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và các nước Đông Âu. Các chiến lược gia phương Tây sớm nhận ra “gót chân Asin” của cải tổ: đó là đường lối xét lại, là hệ tư tưởng tư sản, là chính sách thỏa hiệp, nhân nhượng vô nguyên tắc với Mỹ và phương Tây thể hiện tập trung ở “tư duy chính trị mới”. Hứa hẹn viện trợ kinh tế được dùng làm một thứ vũ khí rất lợi hại để lái cuộc cải tổ theo quỹ đạo mà phương Tây mong muốn. Chủ nghĩa đế quốc đã đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình” trong nội bộ Liên Xô và Đông Âu.

Trong cuốn sách Chiến thắng không cần chiến tranh, Tổng thống Mỹ Níchxơn cho rằng “mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”. Ông ta viết: “Toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hiệp định mậu dịch, viện trợ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”. Chiến lược của Mỹ trước sau như một là đưa bất ổn vào bên trong “bức màn sắt”.

Tóm lại, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc cùng với sự phản bội từ bên trong và từ trên chóp bu của cơ quan lãnh đạo cao nhất là nguyên nhân trực tiếp làm cho Liên Xô sụp đổ.

Trong tình hình CNXH trì trệ và khủng hoảng do những sai lầm của mô hình cũ thì cải tổ, cải cách mở cửa, đổi mới là tất yếu. Vì chỉ có một cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới sâu sắc, toàn diện mới đưa CNXH thoát khỏi khủng hoảng để bước vào thời kỳ phát triển mới. Cải tổ, cải cách, mở cửa, đổi mới là tất yếu nhưng sụp đổ thì không là tất yếu. Vấn đề ở chỗ: cải tổ, cải cách, mở cửa, đổi mới thế nào, nhằm mục đích gì, theo đường lối nào.

Một số đảng cộng sản các nước trên thế giới đã nhận định nguyên nhân của sự sụp đổ này là: Sự lệch lạc về hệ tư tưởng của những người lãnh đạo đảng và sự thiếu hiểu biết về hệ tư tưởng XHCN của nhân dân; sự thiếu dân chủ trong xã hội và trong đảng; tình trạng quan liêu trong đảng, tham nhũng và sự xa lánh nhân dân của lãnh đạo đảng; một số sai lầm trong chính sách kinh tế của đảng cộng sản cầm quyền; và sự phá hoại tinh vi của chủ nghĩa đế quốc…

Bài 2: CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trước đổi mới.

TS Nguyễn Viết Thông
Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương

Tin cùng chuyên mục