Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội: Trào lưu hay quy luật tất yếu?

Bài 3: Thành tựu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: Con đường đi lên CNXH hình thành những nét cơ bản

Kinh tế thị trường định hướng XHCN

Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; nắm vững quy luật khách quan, lấy dân làm gốc… Nhờ vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua các chủ trương, chính sách, sản xuất trong nước ngày càng phát triển, lưu thông ngày càng thông suốt, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, xã hội ngày càng lành mạnh, qua đó, chế độ XHCN ngày càng được củng cố…

Kinh tế thị trường định hướng XHCN

Có thể nói, đây là thành quả to lớn và quan trọng của nghiên cứu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là mô hình kinh tế mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Tư duy lý luận và nhận thức về KTTT định hướng XHCN là một quá trình lâu dài, thường xuyên và qua nhiều bước với mục tiêu không thay đổi là xây dựng thành công CNXH ở nước ta.

KTTT là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội; trong đó quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng đều được thực hiện thông qua thị trường. Vì thế KTTT không chỉ là “công nghệ”, là “phương tiện” để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là những quan hệ kinh tế - xã hội, nó không chỉ gồm lực lượng sản xuất, mà còn cả một hệ thống quan hệ sản xuất. Như vậy rõ ràng là không thể có một nền KTTT chung chung, trừu tượng tách rời khỏi hình thái kinh tế - xã hội, tách rời khỏi chế độ chính trị - xã hội của một nước.

KTTT định hướng XHCN là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của KTTT, vừa chịu sự chi phối của các nhân tố định hướng XHCN. Vì thế KTTT ở nước ta vừa có những đặc trưng chung, phổ biến của mọi nền KTTT, vừa có những đặc trưng mang tính đặc thù - định hướng XHCN. Theo tinh thần của các đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam từ lần thứ VI đến lần thứ X định hướng XHCN nền KTTT thể hiện ở các nội dung sau đây: Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đồng thời khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng và giúp đỡ, tạo điều kiện để người khác thoát khỏi nghèo, từng bước khá giả hơn; phát triển kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng với nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội; phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự khác nhau về bản chất của nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình phát triển là điều kiện, là một “tiêu thức” quy định đặc trưng bản chất của nền KTTT nước ta.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định thành công sự phát triển rút ngắn, bền vững nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam và công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, KTTT... mới không bị chệch định hướng XHCN.

Những thành tựu về kinh tế, xã hội

- Tốc độ tăng trưởng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thời kỳ 1992-1997 tăng bình quân 8,75%/năm. Thời kỳ 2000-2007: 7,55%/năm. Năm 2008 do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng GDP vẫn đạt 6,23%.

- GDP/người/năm: 1995 là 289 USD, năm 2005 là 639 USD, năm 2007: 835 USD và năm 2008 đạt 1.024 USD.

- Cơ cấu thành phần kinh tế: Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 38,4% GDP vào năm 2005. Kinh tế dân doanh chiếm 45,7% GDP. Hợp tác và hợp tác xã chiếm 6,8% GDP. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 15,9% GDP.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện mô hình KTTT định hướng XHCN, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu đáng kể, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước.

Về tốc độ tăng trưởng, trong những năm khởi đầu công cuộc đổi mới (1986-1991) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng tương đối chậm. Nhưng khi quá trình đổi mới diễn ra rộng khắp và đi vào thực chất thì tốc độ tăng trưởng GDP luôn đạt mức cao và ổn định kéo dài, mặc dù có lúc bị giảm sút do dự báo chủ quan và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Do tốc độ tăng GDP cao nên GDP/người/năm cũng tăng lên đáng kể, từ 289 USD (năm 1995) lên 1.024 USD (năm 2008), cho thấy Việt Nam đang từng bước vượt qua ranh giới của quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp và đang vươn lên nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp (theo quy ước chung của quốc tế và xếp loại các nước theo trình độ phát triển thì nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp là những nước có GDP/người từ 765 đến 3.385 USD).

Cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu. Khu vực kinh tế nhà nước được tổ chức lại, đổi mới và chiếm 38,4% GDP vào năm 2005. Kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, chiếm 45,7% GDP, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân; kinh tế hợp tác và hợp tác xã phát triển khá đa dạng (đóng góp 6,8% GDP). Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, chiếm 15,9% GDP, là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thông quốc tế .

Thành tựu đổi mới trong nước kết hợp với thực hiện chính sách mở cửa, tích vực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam và mang lại cho Việt Nam một vị thế quốc tế mới. Từ một quốc gia bị phong tỏa, cấm vận; từ một nền kinh tế kém phát triển và “đóng cửa”, sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới. Đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước và vùng lãnh thổ; mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên chính thức của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực, và điều đáng nói nhất là năm 2007 Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, Việt Nam về đích trước 10 năm với mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Đánh giá về thành công của quá trình đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận và công cuộc đổi mới, về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản”

GS-TS CHU VĂN CẤP
Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin liên quan

- Bài 1: Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu - Vì sao sụp đổ?

- Bài 2: CNXH ở Việt Nam trước đổi mới

Tin cùng chuyên mục