Kỷ niệm 191 năm ngày sinh Các Mác (5-5-1818 – 5-5-2009)

Các Mác - Nhà triết học vĩ đại nhất

Các Mác - Nhà triết học vĩ đại nhất

Karl Heinrich Marx (thường được phiên âm là “Các Mác”), sinh vào ngày 5-5-1818 tại Trier, Đức. Ông xuất thân từ gia đình phong lưu, cha là trưởng đoàn trạng sư của Trier. Năm 1835, Các Mác theo học luật tại trường Đại học tổng hợp Bon theo ý nguyện của cha. Đến 1836, cha ông chuyển trường cho ông sang Đại học Berlin, một trung tâm của các cuộc đấu tranh giữa các đại biểu triết học của giai cấp tư sản Đức non trẻ và những đại biểu của giai cấp phong kiến đã lỗi thời nhưng vẫn còn “ăn to nói lớn”.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ triết học vào năm 1841, Các Mác trở về Bon. Tháng 9-1844, cuộc gặp mặt đầu tiên với Friedrich Engels tại Paris đã trở thành sự kết hợp hoàn hảo để sáng lập ra hệ thống lý luận và sách lược của chủ nghĩa xã hội vô sản.

Năm 1847, theo yêu cầu Đại hội của Đồng minh những người cộng sản, hai ông đã thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản chính thức xuất bản vào tháng 2-1848. Từ đó, thế giới tiếp cận với một thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để về sự phát triển lý luận, về đấu tranh giai cấp và về vai trò cách mạng dành cho giai cấp vô sản.

Các sự biến cách mạng suốt từ 1848 đến 1849 làm lộ dần lên những kết quả minh chứng những lý luận mà Các Mác đưa ra khiến bọn phản cách mạng lồng lộn tức giận. Chúng liên tục dùng lệnh trục xuất Các Mác hết đuổi khỏi nơi này đến  cấm ở nơi khác. Điều kiện sống lưu vong khắc nghiệt không hề làm chùn bước tinh thần làm việc của Các Mác.

Đảm nhiệm vị trí trụ cột trong Quốc tế I thành lập năm 1864, Mác đã rèn đúc một sách lược đấu tranh vô sản của giai cấp công nhân và định hướng phát triển phong trào công nhân lan tỏa trên toàn cầu.

Tuy bận phải hoạt động khẩn trương trong tổ chức, ông vẫn dành thời gian cho ra đời những tác phẩm quyết định nhất trong nền triết học và chính trị kinh tế thế giới. Các Mác tự đề ra nhiệm vụ phát triển nội dung của bộ Tư bản. Đó là tác phẩm được phát triển tiếp những bộ phận cấu thành khác nhau của chủ nghĩa cộng sản khoa học gồm kinh tế chính trị học, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết về cách mạng xã hội chủ nghĩa và về chuyên chính vô sản. Đó cũng là công trình mà Các Mác đã phải hy sinh sức khỏe, hạnh phúc cuộc đời và gia đình mình để trao cho giai cấp công nhân niềm tin và khả năng tự giải phóng khỏi áp bức bóc lột, khỏi nạn nghèo đói và chiến tranh.

Khi quyển một của Tư bản phát hành vào năm 1864, Các Mác đã viết nháp xong 2 quyển sau. Nhưng chưa kịp in ấn xong thì ông đã từ giã nhân loại vào ngày 14-3-1883. Công trình tư bản luận này được tiếp tục hoàn thành trọn vẹn với sự quyết tâm của người bạn vĩ đại nhất của ông là Friedrich Engels.

Trong lúc cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ khuynh đảo nền kinh tế toàn cầu, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, tài chính thế giới, đặc biệt là giới trí thức trẻ đã trở lại tìm đọc học thuyết Mác, trong đó có bộ Tư bản và Tuyên ngôn Đảng Cộng sản để tìm hiểu về những gì đang diễn ra trong thế giới hiện đại.

Theo ông Jošrn Schuštrumpf, Giám đốc điều hành Nhà xuất bản Berlin Karl - Dietz, lượng phát hành bộ Tư bản trong năm 2008 đã tăng gấp 3 so với năm 2005.

Cuộc thăm dò ý kiến năm 2005 với câu hỏi ai là nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại do trạm phát sóng thứ tư của đài BBC tổ chức; kết quả nhận được: Mác vẫn là nhà triết học vĩ đại nhất trong 10 nhà triết học vĩ đại nhất mỗi thời đại.

Thanh Trúc tổng hợp

Tin cùng chuyên mục